Mô hình quản lý hình nón
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cho biết khu vực kinh tế tư nhân là cấu phần không thể thiếu trong nền kinh tế Việt Nam với tỷ trọng đóng góp cho tăng trưởng GDP hàng năm ở mức 42-43%. Ngoài ra, khu vực này thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế.
Nhưng chất lượng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân còn nhiều hạn chế, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Về năng suất lao động, cơ quan này cho biết năng suất của doanh nghiệp tư nhân thấp hơn 42,2-56% so với doanh nghiệp FDI và thấp hơn 31,4-32,3% so với doanh nghiệp Nhà nước.
Về năng lực khoa học công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư cho ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ lõi và công nghệ tiên phong.
Cụ thể, chỉ có 10% số doanh nghiệp đã từng đăng ký, hoặc đăng ký thành công một bằng sáng chế trong vòng 3 năm liên tiếp. Còn đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới công nghệ chỉ chiếm khoảng 0,3% doanh thu - thấp hơn mức 5% của Ấn Độ và 10% của Hàn Quốc.
Về tính liên kết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng văn hóa hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam còn mang tính hình thức, chưa thực sự tạo thành khối liên kết để cùng nhau phát triển.
Theo đó, chỉ có khoảng 21% số doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tham gia được một phần chuỗi giá trị toàn cầu. Thậm chí, số DNNVV thành công liên kết với đối tác nước ngoài chỉ ở mức 14%, dù số lượng doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam rất nhiều.
Lý giải nguyên nhân, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng có một phần tới từ sự bất cập của mô hình quản lý kinh tế.
“Chúng ta đang quản lý theo hình nón”, ông Dũng nói tại Hội thảo “Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam”.
“Hình nón” – theo ông Dũng - là việc áp dụng những điều kiện kinh doanh, quy định đầu vào chặt chẽ với các doanh nghiệp. Nhưng phương thức quản lý này khiến doanh nghiệp không thể tiếp cận nguồn lực về vốn và đất đai, thậm chí tạo ra cơ chế xin – cho trong nền kinh tế.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện tượng chính quyền địa phương các cấp những nhiễu doanh nghiệp vẫn tồn tại, khiến một số doanh nghiệp có tâm lý chán nản.
Hiện năng lực cạnh tranh 4.0 của Việt Nam hiện xếp ở vị trí thứ 6 trong khu vực ASEAN. Còn chất lượng môi trường kinh doanh xếp thứ 5, trong khi mục tiêu là nằm trong nhóm ASEAN 4.
"Tư duy quản lý của chúng ta khiến doanh nghiệp kiếm được ít lợi nhuận là chuyển qua tích lũy ngay, thay vì tái đầu tư để nâng cao công nghệ và cao năng suất, vì họ sợ rủi ro”, ông Dũng phân tích.
Tương tự, ông Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nêu một số hạn chế trong hoạt động quản lý nhà nước về kinh tế.
Về định hướng và quy hoạch, nhiều định hướng phát triển lớn của Nhà nước mang tính chất trải đều trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khiến hiệu quả huy động và phân bổ nguồn lực ở mức thấp, theo ông Hiếu.
“Ngành nào cũng là mũi nhọn và chủ lực thì có khá nhiều các ngành công nghiệp ưu tiên, mũi nhọn khác nhau”, ông Hiếu chia sẻ.
Về công tác tạo lập khung khổ thể chế, ông Hiếu cho biết việc cải thiện môi trường kinh doanh chủ yếu ở lĩnh vực điều kiện gia nhập thị trường. Còn hệ sinh thái hỗ trợ, nuôi dưỡng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân chưa có nhiều tiến bộ.
“Khu vực doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn yếu thế trong quá trình phân bổ nguồn lực vật chất so với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI. Những bất cập về thể chế đất đai, quyền tài sản bao gồm giao dịch đảm bảo, xử lý tài sản thế chấp vẫn chậm được giải quyết”, ông Hiếu nói.
Về thủ tục hành chính, ông Hiếu cho biết doanh nghiệp vẫn phản ánh về khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính và sự mâu thuẫn, không rõ ràng giữa các quy định pháp lý.
“Nhiều quy định không hợp lý, không tương thích đã tạo ra chi phí tuân thủ cao, can thiệp hành chính sâu vào quản trị nội bộ của doanh nghiệp”, ông Hiếu chia sẻ.
Về hoạt động kiểm tra và giám sát, ông Hiếu đánh giá thay đổi trong công tác kiểm tra, giám sát chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu đề ra. Cụ thể, một số thay đổi mang tính chất cơ học, không thực chất, chưa áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra.
Đáng chú ý, có gần 20% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết vẫn bị thanh, kiểm tra hai lần một năm.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu liên thông, kết nối chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan với doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp gặp khó trong quá trình thực hiện thủ tục trực tuyến vẫn tồn tại, theo ông Hiếu.
Thay đổi tư duy quản lý kinh tế
Đề xuất giải pháp, ông Phan Đức Hiếu cho rằng cần xác định đúng vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, thúc đẩy tham gia doanh nghiệp trong đầu tư, cung cấp dịch vụ hành chính công, giảm can thiệp hành chính sâu vào quản trị nội bộ doanh nghiệp.
Về phân bổ nguồn lực, cần tập trung nâng cao chất lượng, tính khả thi của chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp trên nguyên tắc thị trường, cạnh tranh, bình đẳng, thúc đẩy hình thành chuỗi giá trị, liên kết.
“Cần áp dụng nguyên tắc có lợi nhất cho doanh nghiệp trong trường hợp các quy định của pháp luật chưa rõ ràng, có nhiều cách hiểu khác nhau”, ông Phan Đức Hiếu đề xuất.
Bà Phạm Chi Lan cho biết, Nhà nước cần tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, để kinh tế tư nhân phát huy được vai trò của mình. Ngoài ra, phải chấm dứt tình trạng doanh nghiệp “thân hữu” có quá nhiều ưu đãi.
“Các luật chơi phải được xác định rõ ràng, minh bạch, nghiêm túc”, bà Lan chia sẻ.
Thậm chí, vị chuyên gia này đề xuất nên xây một cơ quan chuyên trách theo dõi việc thiết kế, xây dựng và thực thi pháp luật giữa các cơ quan Nhà nước để tránh tình trạng chồng chéo hoặc "Bộ này cho nhưng Bộ khác lại gạt".
Còn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, hoạt động quản lý Nhà nước cần theo hình phễu - tạo tự do thuận lợi ở khâu đầu vào, rồi sử dụng các cơ chế, chính sách và tiêu chuẩn để kiểm tra, giám sát, hậu kiểm.
Link bài gốc