Chào ông, ông nhận xét thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay? Vai trò của Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế thế nào, thưa ông?
Xin chào độc giả của DN&PL! Như chúng ta đã biết rằng một đất nước phát triển thì phải có nhiều doanh nghiệp. Hay nói cách khác, đó là một đất nước phải tạo ra được nhiều người có thể làm chủ, để rồi họ tạo ra được nhiều việc làm cũng như được nhiều của cải vật chất cho đất nước. Lý do cho việc chúng ta có thu nhập ít là vì số lượng doanh nghiệp ở Việt Nam khá khiêm tốn so với các quốc gia khác – bình quân trong 100 đến 150 người mới có một doanh nghiệp.
Điều đó có nghĩa là một trong các nhiệm vụ của Việt Nam trong thời gian tới là phải tạo ra được số lượng lớn các doanh nghiệp, đương nhiên trong số đó sẽ có các doanh nghiệp có quy mô lớn, từ việc có nhiều nhân công lao động đến việc họ đóng góp cho thuế, góp phần vào thu nhập của quốc gia. Đó cũng là một trong những nền tảng nhiệm vụ lớn lao để Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia ra đời. Nhiệm vụ của Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia là thực hiện sứ mệnh cổ vũ cho tinh thần khởi nghiệp và đồng hành với những nhà sáng lập DN Việt Nam.
Trong những năm gần đây, cụm từ “tinh thần khởi nghiệp” được nhắc tới rất nhiều. Theo ông, tinh thần khởi nghiệp là gì và mỗi doanh nhân cần có những tố chất nào để phát huy tốt tinh thần đó?
Trước hết, ta phải hiểu tinh thần khởi nghiệp là tinh thần của người làm chủ, hoàn toàn khác với tư duy của người làm việc. “Làm chủ” ở đây không có nghĩa phải là người kinh doanh mà là làm chủ chính công việc mình đang làm. Bất kỳ ai cũng có thể làm chủ chính vị trí mình đang công tác để bảo đảm công việc mình làm hiệu quả nhất, tốt nhất và luôn không ngừng tìm kiếm, cải tiến để phát triển hơn. Đối với doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp không bộc lộ ở yếu tố lợi nhuận, mục tiêu cuối cùng của người có tư duy “làm chủ” là tạo ra nhiều việc làm, cung ứng của cải, vật chất, đóng góp chung cho xã hội. Bởi vậy, tinh thần khởi nghiệp là yếu tố then chốt để phát triển cá nhân cũng như toàn quốc gia.
Cũng như các thói quen khác, tinh thần khởi nghiệp hoàn toàn có thể luyện tập. Và việc đầu tiên là mỗi cá nhân cần thay đổi tư duy, “làm chủ” chính công việc của mình, trau dồi kiến thức để sáng tạo, phát triển.
Xin ông cho biết, Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia đã có những hoạt động nào để đồng hành hỗ trợ DN?
Hiệp hội với chủ trương đồng hành cùng các DN tập trung vào 6 yếu tố cốt lõi: Yếu tố thứ nhất là thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tạo ra nhiều ý tưởng để có nhiều thanh niên, học sinh sinh viên tạo ra các DN mới, thành lập ra các mô hình kinh doanh mới. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ nhằm kết nối DN để có thể tạo ra các thay đổi nhằm tìm ra các ý tưởng mới ngay trong DN. Yếu tố thứ hai là thúc đẩy quá trình đào tạo, chia sẻ các chính sách cũng như kiến thức liên quan đến quản trị DN, tài chính hay quản trị nhân sự.
Yếu tố thứ ba là xây dựng mạng lưới các nhà tư vấn trong nước và quốc tế để dẫn dắt và hỗ trợ cho các DN. Tư vấn sẽ trở thành nét văn hoá đối với các DN trong tương lai ngay cả với các DN trên thế giới. Việc đóng cửa các DN mới sau khi đầu tư là điều bình thường đối với bất kỳ DN nào trên thế giới nhưng nếu chúng ta có một lực lượng các nhà tư vấn với tầm nhìn đúng sẽ giảm thiểu rủi ro cho các DN, giảm thiểu thiệt hại cho DN, lãng phí công sức của một lượng lớn nhân công và đó cũng là thiệt hại cho cả đất nước.
Để giúp các nhà khởi nghiệp có thể từ ý tưởng, kiến thức để tạo nên các sản phẩm đưa ra thị trường thì yếu tố thứ tư là thúc đẩy việc kết nối các chủ sở hữu DN với nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng như các ngân hàng, quỹ hay ngay giữa các nhà đầu tư trong nội bộ Hiệp hội, chi hội đầu tư cùng nhau.
Yếu tố thứ năm cũng là quan trọng nhất là về thị trường. Việt Nam là nước đông dân, cùng với đó là vị trí địa lý nằm gần với quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc nhưng chúng ta vẫn mất thị phần vào các chủ DN nước ngoài. Trong quá trình hội nhập số, việc thị phần mua sắm trực tuyến chúng ta cũng có các sàn thương mại điện tử lớn nhất thuộc về các DN nước ngoài như Lazada, Shopee, Tiki. Yếu tố thứ sáu Hiệp hội tập trung hỗ trợ là việc đối thoại, đặc biệt là đối thoại chính sách để các DN có thể tuân theo đúng các đường lối và luật pháp. Các yếu tố này sẽ luân hồi và tiến hành liên tục.
Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), ông có lời chúc nào muốn gửi đến cộng đồng DN, doanh nhân?
Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), tôi xin chúc tất cả doanh nhân khởi nghiệp Việt Nam bền bỉ, sáng tạo và luôn tự hào chúng ta là người Việt Nam – đất nước có bề dày lịch sử, đầy lòng tự tôn, tự hào dân tộc và tinh thần làm chủ. Vì thế, các doanh nhân hãy tiếp tục hành trình của mình để tạo ra nhiều việc làm hơn nữa, nhiều của cải hơn nữa, để một ngày nào đó, nhờ có sự nỗ lực của các doanh nhân, đất nước chúng ta sẽ ngày càng phát triển, đứng trong hàng ngũ các quốc gia giàu mạnh nhất thế giới!
“Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), tôi xin chúc tất cả doanh nhân khởi nghiệp Việt Nam bền bỉ, sáng tạo và luôn tự hào chúng ta là người Việt Nam – đất nước có bề dày lịch sử, đầy lòng tự tôn, tự hào dân tộc và tinh thần làm chủ…”.