Cải cách thể chế và thay đổi cách chọn lựa và có phần thưởng cho những người thắng cuộc với nguyên tắc không làm méo mó thị trường... được Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhắc tới trong cuộc trò chuyện với VnExpress nhân ngày đầu năm Kỷ hợi 2019 và coi đây là những yếu tố then chốt giúp kinh tế Việt Nam đi nhanh hơn, bứt phá hơn trong tương lai.
Bước đi của ‘những con kiến’
- Thời điểm bước sang năm mới thường là lúc nhìn lại năm đã qua và dự cảm những cơ hội, thời cơ phía trước. Với kinh tế Việt Nam năm 2018, ông đánh giá ra sao?
- Trong tình hình thế giới nhiều bất ổn, tăng trưởng giảm mà Việt Nam vẫn đạt mức tăng GDP ấn tượng 7,08%, kinh tế vĩ mô, giá trị đồng tiền ổn định... là nỗ lực đáng ghi nhận. Chính phủ đã điều hành chắc tay, kiên định mục tiêu tăng trưởng cao, bền vững và không đạt tăng trưởng bằng mọi giá.
Đáng nói hơn, lòng tin và niềm tin của doanh nghiệp vào Chính phủ tăng lên rõ rệt. Chính phủ thực sự đồng hành, hành động vì doanh nghiệp. Sự chuyển động này là không dễ, nhưng là nỗ lực tuyệt vời dù hiệu quả vẫn chưa như mong đợi.
Thế nhưng câu chuyện ở đây không phải là con số nào vì tỷ lệ đạt bao nhiêu phần trăm vẫn chỉ là tính trên quy mô nền kinh tế nhỏ. Những con số sẽ không có ý nghĩa nếu "ta chỉ so với ta", mà không nhìn ra bên ngoài xem họ đã tiến xa, mạnh ra sao.
|
Ông Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. Ảnh: H.Thu |
- Vậy cách nào để nền kinh tế tăng trưởng thoát được bóng "bước đi của những chú kiến", thay vào đó là bước nhảy vọt của thỏ, phi đại của ngựa?
Hiện quy mô nền kinh tế Việt Nam hơn 240 tỷ USD vào cuối năm 2018, nghĩa là 1% tăng trưởng thì số tuyệt đối nền kinh tế Việt Nam đạt được là 24 tỷ USD. Trong khi đó 1% tăng trưởng của Singapore đã là 40 tỷ USD, gấp gần 2 lần Việt Nam. Còn với quy mô kinh tế của Nhật Bản hơn 4.800 tỷ USD thì 1% tăng trưởng của họ cũng đã gấp 2 lần quy mô kinh tế Việt Nam.
Đã tới lúc Việt Nam phải "biến hình", không phải đi bước chân của những chú kiến mà phải phi bước của những chú thỏ, ngựa hay hổ với sức rướn, sức dẻo dai hơn, nếu muốn so sánh. Con kiến đi 1.000 bước, nghĩa là tốc độ 1.000% thì cũng chỉ bằng con ngựa nửa bước.
Cho nên hàm ý ở đây là chúng ta phải thay đổi cấu trúc. Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, cứ mỗi 5 năm họ lại có một bước thay đổi cấu trúc với mục tiêu rất rõ.
Tất nhiên sự thay đổi cấu trúc, điều được nói tới khá nhiều trước đây, không dễ khi cấu trúc kinh tế Việt Nam lâu nay vẫn dựa vào chủ yếu 2 động lực chính là kinh tế hộ gia đình, góp hơn 31% GDP, và doanh nghiệp Nhà nước với 28% GDP. Những nỗ lực vừa qua mới bắt đầu và chưa đụng tới thay đổi cấu trúc.
Giờ là lúc phải thay đổi, và bước đầu tiên là mổ xẻ cấu trúc doanh nghiệp. Đẳng cấp doanh nghiệp phải được đề cập ở các khía cạnh quy mô, trình độ quản trị, công nghệ...
|
Một số chỉ số kinh tế xã hội ấn tượng năm 2018. |
Nền kinh tế cần ‘những người tiên phong’
- Năm qua chúng ta vẫn chứng kiến "những cuộc va đập lớn" tác động vào nền kinh tế, một trong số đó là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Theo ông, trong cuộc va đập này Việt Nam ở vị trí nào?
- Logic kinh tế là khi trình độ phát triển kinh tế lên mức mới thì sẽ có sự dịch chuyển, đơn cử dịch chuyển từ sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu sang công nghệ hiện đại; hoặc thâm dụng lao động sang tay nghề trình độ cao...
Sự dịch chuyển đến từ hệ quả xung đột thương mại Mỹ - Trung lần này là sự chuyển dịch ồ ạt, không chỉ của doanh nghiệp nước ngoài vào Trung Quốc mà cả các doanh nghiệp của nước này sang các quốc gia lân cận. Đây là cơ hội cho Việt Nam song cũng phải khéo léo chọn dự án đầu tư có năng lực, công nghệ tốt.
Mặt khác, các doanh nghiệp lớn, đầu tư dài hạn công nghệ cao sẽ chọn nơi có môi trường thể chế tốt, lực lượng doanh nghiệp nội địa đủ sức cạnh tranh để đầu tư. Do đó, ngoài cải cách thể chế, chính sách thu hút FDI tới đây phải tạo được sự lan tỏa, kết nối với doanh nghiệp trong nước, khắc phục tình trạng một đất nước hai nền kinh tế như lâu nay.
- Có tín hiệu nào cho thấy Việt Nam đang có những nhân tố, hạt nhân đủ mạnh vượt qua cuộc "va đập lớn’"đó hay không, thưa ông?
- Tín hiệu thì có nhiều, chính là chọn chiến lược nào làm hạt nhân chủ lực. Việc chú trọng phát triển khối doanh nghiệp vừa và nhỏ là đúng, nhưng chưa đủ. Muốn có một Việt Nam hùng cường thì không thể dựa vào sức của số doanh nghiệp này, mà phải dựa vào những tập đoàn tư nhân lớn và coi đây là lực lượng tiên phong giúp Việt Nam bứt phá trong tương lai.
Rõ ràng những bước đi vừa qua của một số tập đoàn tư nhân trong nước là nỗ lực lớn của bản thân họ trên nền tảng trợ lực của chính sách. Đây là bước tiến của những người ý thức việc sẽ tham gia vào cuộc chơi lớn, mang tính dẫn dắt cuộc chơi, tạo chuỗi sản xuất chứ không phải phát triển riêng lẻ. Tất nhiên con đường phía trước còn dài, song là bằng chứng cho thấy doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể làm chủ, nâng chuẩn quy mô và năng lực cạnh tranh.
Tôi cho rằng, đã tới lúc dư luận, cộng đồng cần cái nhìn khác về khu vực doanh nghiệp tư nhân. Muốn số này trở thành trụ cột của nền kinh tế thì cần rành mạch chuyện thay đổi chiến lược lựa chọn doanh nghiệp. Nghĩa là thay vì chọn người thắng cuộc thì khuyến khích và có phần thưởng cho những người thắng cuộc với nguyên tắc không làm méo mó thị trường.
Chúng ta phải giải bài toán này để 20-30 năm nữa Việt Nam có được những "người khổng lồ". Một nền kinh tế mạnh cần phải có cơ chế "thưởng" cho những doanh nghiệp mạnh làm trụ cột tiên phong thông qua việc tạo thị trường cho doanh nghiệp phát triển. Cùng đó, chiến lược phát triển khoa học công nghệ gắn với tạo chuỗi giá trị, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đây chính là cách "thưởng" cho người thắng mà Hàn Quốc, Trung Quốc đã áp dụng với các doanh nghiệp tư nhân của họ. Vì thế, sau hơn 20 năm, Hàn Quốc đã có những người khổng lồ như Samsung, Hyundai...
- Vậy đâu là động lực của kinh tế Việt Nam trong năm 2019, thưa ông?
- Xu hướng cải cách đang ngày một rõ nét và cải cách thể chế vẫn là động lực quan trọng. Giờ đây không phải là lúc chỉnh sửa mà phải đổi mới, bứt phá trong chính sách và thể chế. Thực tế cải cách thể chế vừa qua đã có những bước đi cần thiết, nhưng năm 2019 và tới đây cần làm quyết liệt hơn, để khơi thông các nhân tố sản xuất, nguồn lực tăng trưởng, đồng nghĩa khơi thông dòng chảy vốn, kích thích thay đổi cấu trúc thị trường.