Chuyển đổi mô hình, hủy niêm yết
Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Truong Hai Auto Corporation - Thaco) được biết đến rộng rãi là doanh nghiệp có doanh thu hơn 50 nghìn tỷ trong lĩnh vực công nghiệp, nổi tiếng nhất là thương hiệu ô tô mang tên Trường Hải.
Mới đây, doanh nghiệp được thông báo hủy đăng ký công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán từ ngày 1/1/2021.
Tại thời điểm chốt danh sách cổ đông ngày 3/3/2021 do Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam thực hiện, THACO có 2.172 cổ đông, trong đó cổ đông nhỏ lẻ sở hữu chưa tới 3% tổng số cổ phần biểu quyết của THACO. Trong khi đó, theo Luật Chứng khoán năm 2019 có hiệu lực ngày 1/1/2021, công ty đại chúng là đơn vị có vốn góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải cổ đông lớn nắm giữ.
Doanh nghiệp chủ yếu do gia đình Chủ tịch HĐQT Trần Bá Dương sở hữu với hơn 70% cổ phần, cổ đông ngoại JC&C nắm giữ 26,3% vốn.
Đây là điều kiện để Trường Hải có thể hủy niêm yết. Khi không còn là công ty đại chúng, Trường Hải sẽ không còn nghĩa vụ công khai các chỉ tiêu kinh doanh và tài chính thời gian tới. Như vậy, không còn chịu các nghĩa vụ và kiểm soát, các quyết định về chiến lược kinh doanh cũng dễ dàng được lãnh đạo doanh nghiệp quyết định hơn.
Thực tế, Trường Hải đã lên kế hoạch tái cấu trúc công ty từ lâu. Giữa năm 2020, Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải thông qua kế hoạch chia tách để thành lập các công ty quản lý các mảng kinh doanh riêng biệt (Thaco vận hành mảng ôtô và Thaco Group quản lý các hoạt động khác).
Tập đoàn Trường Hải (Thaco Group) là pháp nhân được thành lập mới nhằm kiểm soát theo mô hình tập đoàn, vốn điều lệ dự kiến 19.324 tỷ đồng được xác định bằng số vốn Thaco tách sang để thành lập Thaco Group.
Tài sản được Thaco Group quản lý sẽ bao gồm phần vốn góp của Thaco trong Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh, CTCP Sản xuất chế biến và Phân phối nông nghiệp Thadi; Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - Mã: HNG); Công ty cổ phần Hùng Vương và các công ty khác không thuộc lĩnh vực ô tô và cơ khí.
Thaco Group thực hiện hai mảng chính là nông nghiệp và bất động sản cùng các đơn vị hỗ trợ là các doanh nghiệp trong ngành logistic, thương mại…
Chuyển đổi này diễn ra trong bối cảnh mảng kinh doanh cốt lõi ôtô chiếm 93% nhưng lợi nhuận kiếm ra không chênh lệch đáng kể với với mảng bất động sản doanh thu có 4,2%. Năm 2019, doanh thu mảng kinh doanh ôtô là 52.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 3.647 tỷ đồng. Trong khi đó, mảng bất động sản có 2.398 tỷ doanh thu nhưng mang về đến 1.912 tỷ đồng lợi nhuận. Riêng mảng nông nghiệp với thương vụ góp vốn nổi tiếng vào Hoàng Anh Gia Lai lỗ 15 tỷ đồng.
Tham gia thị trường bán lẻ
Giữa tháng 5/2021, Trường Hải lộ thêm tham vọng chuyển mình khi xác nhận thông tin mua toàn bộ vốn Emart Việt Nam và trả phí nhượng quyền thương hiệu cho đại gia bán lẻ Hàn Quốc để vận hành, mở rộng hoạt động. Siêu thị Emart tại Việt Nam với vốn điều lệ hiện tại là 2.711 tỷ đồng chính thức do Trường Hải sở hữu.
Siêu thị Emart đầu tiên với diện tích sử dụng gần 12.000 m2 tại quận Gò Vấp, TP.HCM được khai trương vào cuối năm 2015. Đại siêu thị chia làm hai khu chính là siêu thị và dịch vụ tiện ích như nhà hàng, chăm sóc sức khoẻ, khu vui chơi trẻ em... Ban lãnh đạo doanh nghiệp từng cho biết, 95% hàng hoá trong siêu thị có nguồn gốc trong nước.
Tờ Korean Times dẫn nguồn tin từ Emart cho biết tập đoàn này bán vốn cho Thaco vì gặp nhiều trở lại trong việc mở rộng hoạt động. Từ giữa năm 2018, Emart có kế hoạch mở đại siêu thị thứ hai tại quận Tân Phú nhưng đến nay chưa hoàn thành.
Doanh nghiệp Hàn Quốc kì vọng Thaco - một trong những nhà sản xuất ô tô lớn của Việt Nam đang phát triển sang lĩnh vực nông nghiệp và có nhiều bất động sản bán lẻ, sẽ mở rộng chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ tại Đông Nam Á lên con số 10 vào năm 2025.
"Sự hợp tác chiến lược của chúng tôi với Thaco không chỉ xoay quanh việc nhượng quyền, mà đây cũng là cơ hội để chúng tôi xuất khẩu các sản phẩm mang thương hiệu của riêng mình", một đại diện của Emart cho hay.
Phía Thaco chưa đưa ra bình luận chính thức về thương vụ tham gia vào thị trường bán lẻ này. Nhưng tại cuộc "Đối thoại 2045” với Thủ tướng Chính phủ ngày 6/3, Chủ tịch Trần Bá Dương cho biết Thaco sẽ đa dạng hóa hoạt động kinh doanh như đầu tư vào ngành nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa; tập trung phát triển logistics để phục vụ chuỗi cung ứng cho hai ngành ô tô và nông nghiệp.
Phải chăng các động thái này đang là bước đi tiếp theo của Thaco trong chiến lược biến mình trở thành tập đoàn đa dạng lĩnh vực trong tương lai.