Kinh doanh kém hiệu quả, lợi nhuận lao dốc
CTCP Chứng khoán VietCap (mã CK: VCI) đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2023 với kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh do các mảng hoạt động chính kém hiệu quả.
Cụ thể, tổng doanh thu hoạt động quý 1 của VietCap đạt hơn 499 tỷ đồng, giảm gần 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 155,4 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ. Ngược lại, lỗ từ FVTPL tăng 9% so với cùng kỳ, lên hơn 95,7 tỷ đồng.
Trong kỳ, lãi từ các khoản cho vay và phải thu giảm 21% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 155,4 tỷ đồng. Doanh thu từ hoạt động môi giới chứng khoán cũng giảm 75% so với quý đầu năm ngoái, còn gần 89 tỷ đồng. Theo giải trình, thị trường giao dịch trầm lắng trong quý 1 với giá trị giao dịch giảm mạnh so với cùng kỳ là nguyên nhân chính làm cho doanh thu môi giới giảm mạnh.
Ngoài khoản lỗ từ FVTPL, chi phí từ các hoạt động tự doanh, môi giới chứng khoán và tư vấn tài chính cũng tăng lần lượt 244%, 121% và 662% so với cùng kỳ. Điều này khiến chi phí hoạt động tăng mạnh hơn gấp đôi so với cùng kỳ, lên gần 235 tỷ đồng. Kết quả, VietCap lãi trước thuế 80,8 tỷ đồng, giảm đến 84% so với cùng kỳ.
Năm 2023, VietCap đặt mục tiêu doanh thu hoạt động đạt 3.246 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng, lần lượt giảm 12,4% và 5,6% so với thực hiện năm ngoái. VCSC cho biết kế hoạch được xây dựng trên cơ sở VN-Index sẽ dao động quanh 1.100 điểm vào cuối năm 2023. Với kết quả đạt được, công ty mới thực hiện được vỏn vẹn 15% và 8% kế hoạch sau quý đầu năm.
Thay tên liệu có đổi vận?
Trong bối cảnh tình hình kinh doanh khó khăn do thị trường không thuận lợi và mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt. Công ty chứng khoán này đã bất ngờ đổi tên từ Chứng khoán Bản Việt thành Chứng khoán VietCap do tên cũ có thể làm cho khách hàng nhầm lẫn với một số tổ chức trong nước khác có tên tương tự.
Thực tế, tên gọi không phải mắt xích duy nhất kết nối những tổ chức có tên “Bản Việt”. Bà Nguyễn Thanh Phượng, Chủ tịch HĐQT VietCap hiện cũng là thành viên HĐQT của Ngân hàng Bản Việt (VietCapitalBank). Ngoài ra, bà Phượng còn là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Quản lý quỹ Đầu tư CK Bản Việt, thành viên HĐQT của CTCP Bất động sản Bản Việt.
Theo lý giải, việc được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như VCSC, Viet Capital Securities, VCI, Chứng khoán Bản Việt đã làm pha loãng sức mạnh thương hiệu của VietCap và do đó cần phải nhanh chóng đồng nhất bộ nhận diện thương hiệu. Công ty đánh giá tên gọi “Vietcap” ngắn gọn, độc đáo và đã được các nhà đầu tư (đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức) trên thị trường tài chính trong và ngoài nước biết đến.
Tính đến ngày 31/3/2023, tổng tài sản của VietCap tăng 755 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm lên 14.998 tỷ đồng. Vốn điều lệ chỉ hơn 4.350 tỷ đồng vVốn chủ sở hữu chỉ ở mức gần 6.900 tỷ đồng, khá khiêm tốn so với các công ty chứng khoán top đầu, thậm chí còn kém xa một số “tay chơi” mới nổi. Quy mô vốn khiêm tốn khiến VietCap gặp khó trong cuộc cạnh tranh với các đối thủ.
Tính đến cuối quý 1, dư nợ cho vay margin của VietCap chỉ đạt xấp xỉ 5.000 tỷ đồng, gần như đi ngang so với hồi đầu năm. Tỷ lệ margin/VCSH ở mức 73%. Con số này khá thấp so với mặt bằng chung nhưng nếu tính trên số tuyệt đối, dư địa có thể cho vay thêm của VietCap cũng không lớn nếu so với các công ty chứng khoán lớn khác.
Trong năm 2022 trước đó, ngoài việc tạm ứng cổ tức đợt 1 bằng tiền, VietCap còn phát hành thêm hơn 100 triệu cổ phiếu để trả cổ tức bằng cổ phiếu (tỷ lệ 30%) qua đó nâng vốn điều lệ lên hơn 4.350 tỷ đồng. VietCap dự kiến sẽ chia cổ tức bằng tiền đợt 2/2022 với tỷ lệ 5% qua đó nâng tổng tỷ lệ cổ tức bằng tiền cho năm 2022 lên 12%. Công ty chưa có kế hoạc tăng vốn trong năm nay.
Ngoài ra, VietCap còn có kế hoạch phát hành 2 triệu cổ phiếu ESOP với giá 12.000 đồng/cp, chỉ bằng chưa đến một nửa thị giá hiện tại. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2023 sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ khi phát hành.