Trung tướng Hoàng Anh Xuân - Nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel đã nghỉ hưu được gần 6 năm, vậy mà với nhiều người, khoảng thời gian đó thật nhanh như một chớp mắt. Được gặp lại ông, vẫn thấy giọng nói sang sảng, gương mặt cương nghị, dáng đứng oai phong của nhân vật "quyền lực nhất" Viettel năm xưa.
Những ngày tháng 10 này cũng là thời điểm tròn 20 năm Viettel tham gia thị trường viễn thông. Chắc chắn rằng những trải nghiệm cuộc đời của "vị tướng doanh nhân" sẽ thật hữu ích với nhiều người. Để họ hiểu rằng một trong những bí quyết quan trọng của thành công, là phải gặp được "một ngọn hải đăng", một người có thể thắp sáng được ước mơ của bạn, kích hoạt được năng lực của bạn, dẫn lối cho hành trình tương lai của bạn.
Thưa Trung tướng Hoàng Anh Xuân, có một điều rất đặc biệt là trong danh sách những vị tướng xuất sắc của Việt Nam thì có rất hiếm các vị tướng là doanh nhân, thành công như những gì ông đã làm Viettel thì chắc là chỉ có 1. Có nguồn năng lượng nào, bài học nào đã giúp ông đạt được nhiều thành tựu như vậy. Và lý do gì mà đã nghỉ hưu, ông vẫn ấp ủ và triển khai rất nhiều dự án kinh tế như vậy?
Trung tướng Hoàng Anh Xuân: Xuất phát từ điều gì ư? Rất đơn giản, là từ cái khổ, cái khổ nó sinh ra ý chí. Tôi sinh ra vào thời vô cùng gian khổ, lúc đi học thì không có đèn dầu mà học. Sáng sớm dậy là tôi đã học, đến khi đi làm rồi cũng học. Khi tôi học đại học xong thì về đơn vị là nhà máy thông tin M1 (Binh chủng Thông tin liên lạc).
Làm tới 18 năm trợ lý kỹ thuật, nói thực tôi không "lên" được, vì quan điểm của tôi khác với nhiều người. Phải đến hơn gần hai chục năm công tác tôi mới được đề bạt làm được Trưởng phòng, sau mãi mới lên Phó Giám đốc, rồi Giám đốc. Nhưng quãng thời gian dài đó giúp tôi tiếp tục học và hiểu nhiều về kỹ thuật.
Thứ hai nữa là gì? Tôi sinh ra có điểm khác với nhiều người, đó là sự nhạy cảm. Chỉ cần rất nhanh thôi là có thể đi đến quyết định. Dù người ta bảo tôi nóng tính nhưng không, hoàn toàn không phải. Tôi thậm chí "rất-rất" là nền tính, nhưng không quyết đoán như thế thì không làm gì được.
20 năm trước, Viettel còn là một doanh nghiệp bé nhỏ, tại sao lại dám bước chân vào thị trường di động vốn là sân chơi của những ông lớn? Vì sao ngay từ lúc mở mạng 098, ông đã quyết định đầu tư ngay tới 4000 trạm phát sóng bao trùm toàn quốc?
Trung tướng Hoàng Anh Xuân: Nói đến thời bình minh của Viettel, phải nói đến những cái chiến lược, những quyết định rất quan trọng. Chiến lược thứ đầu tiên là lựa chọn công nghệ GSM (Global System for Mobile Communications) chứ không phải CDMA (Code Division Multiple Access). Lúc ấy thì ai cũng cũng nghĩ rằng CDMA là hạ tầng viễn thông công nghệ cao, nên hăm hăm hở tìm đến.
Phải nói thật là thời điểm đó Viettel cũng đã xin giấy phép mạng CDMA. Được cấp giấy phép rồi, vậy nhưng chúng tôi vẫn tính kỹ và xin đổi giấy phép. Đó là một quyết sách vô cùng lớn, bởi vì nếu như đi theo con đường CDMA thì chắc chắn cũng giống như Saigon Postel, hay như mạng di động của điện lực sau này, chắc chắn sẽ chết!
Trên thế giới đã có hàng tỷ người dùng GSM, cho nên giá giá thiết bị đầu cuối sẽ theo nguyên lý số lượng càng nhiều, giá càng rẻ. Đấy cũng là nguyên nhân mà mạng CDMA thất bại, vì số lượng người dùng ít, mỗi cái điện thoại giá hàng chục triệu thì ai dùng được?
Thứ hai, đó chiến lược về vốn. Xuất phát điểm Viettel lúc ấy có chưa đến 3 tỷ đồng. Trong khi thời điểm đó, VNPT đã có giá trị tài sản 40.000 tỷ, so theo tỷ giá đôla lúc bây giờ là rất lớn. Nhưng cũng chính giai đoạn đó viễn thông thế giới gặp khủng hoảng. Do các nhà mạng lớn đổ xô vào đầu tư mạng 3G, những nhà sản xuất cái thiết bị viễn thông 2G không bán được hàng. Viettel đã chớp ngay cơ hội đó bằng chiến lược "mua chịu - trả dần", sau bốn năm là trả hết.
Chiến lược thứ ba, làm kinh tế thời gian là vàng, thậm chí quý hơn vàng. Viettel phải triển khai rất nhanh việc xây dựng hạ tầng tràn ngập lãnh thổ. Nhiều người lúc đầu chưa hiểu vì sao chúng tôi dùng phương châm "lấy nông thôn bao vây thành thị" là thế nào đâu. Bởi vì tất hãng viễn thông khác đều tập trung vào những khu vực đô thị lớn, có đông dân cư để đạt hiệu suất đầu tư cao. Người ta làm trước rồi, mà mình còn bắt chước họ thì mình không thể bằng họ được.
Nhưng thưa ông, thay đổi một khái niệm xã hội đâu phải là việc giản đơn. Trước đây người ta vẫn nghĩ viễn thông là của người giàu, Viettel làm được điều, phải chăng là một cuộc cách mạng?
Trung tướng Hoàng Anh Xuân: Đúng vậy, Viettel là một thành phần có tác động lớn để tạo ra cuộc cách mạng viễn thông Việt Nam. Yếu tố giá rẻ chỉ là một phần thôi, cuộc cách mạng viễn thông đó còn nằm ở sự phát triển của hạ tầng viễn thông quốc gia, một hạ tầng kết nối khắp mọi vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo.
Những năm đấy tôi đã chỉ đạo xây dựng hệ thống cáp quang ấy với 5 tuyến kết nối Bắc Nam, có những đường vu hồi sang Lào, chạy về Campuchia, xuyên sang đồng bằng sông Cửu Long. Sau này hệ thống còn tích hợp thêm hạ tầng viễn thông của điện lực cũng rất tốt, đặc biệt là khả năng chống chịu với thiên tai, gió bão.
Hạ tầng viễn thông phát triển thì các gói sản phẩm sẽ đa dạng, dành cho mọi người, mọi đối tượng, thúc đẩy dân trí, phát triển kinh tế.
Để khi làm được thành công trong nước, chúng tôi tự tin đi ra nước ngoài, tự tin bởi vì là toàn bộ cái sản phẩm mang ra thế giới đều được hình thành trong nước, chứ nếu thuê chuyên gia nước ngoài thì biết bao nhiêu tiền? Chỉ cần nắm chắc công nghệ thì những người "ăn mỳ tôm, nằm ngủ dưới đất" cũng có thể thắng.
Vậy thế hệ khởi nghiệp Viettel đã gặp may, gặp thời hay là do chính bản thân, do chính tư duy đã tạo ra thời, tạo ra thế?
Trung tướng Hoàng Anh Xuân: Phải là cả hai yếu tố cộng lại, nếu như có thời mà không nắm bắt được thì nó vẫn bằng không. Nhưng có ý chí thì khó gì cũng có thể làm nên chuyện. Có điều phải chú trọng xây dựng chiến lược, quan trọng là người xây dựng chiến lược phải chính là người triển khai, nếu không thì chiến lược đó không thể chính xác 100%. Đó là cái gốc của thắng lợi, nếu chỉ làm theo chiến lược người khác đề ra thì chưa chắc thành công.
Thưa ông ở thời điểm này, trong bối cảnh phát triển "xã hội số" mà người ta vẫn thường nói thì có khó khăn và cơ hội gì ?
Trung tướng Hoàng Anh Xuân: Cái "xã hội số" mà ti vi hay nói, theo tôi chỉ hàm nghĩa chỉ mới đúng 50% thôi. Ai cũng bảo là xã hội số thế này, thế kia, nhưng những gì đang thể hiện ra chưa phải đúng như vậy.
Ví dụ như việc triển khai công tơ điện tử, bây giờ vẫn phải dùng tay đi ghi từng số điện một cách thủ công, sao ta không cập nhật bằng kết nối tự động? Mấy năm nay Chính phủ có chỉ đạo việc thu phí không dừng nhưng vẫn chưa đạt tới đích?
Những thứ đó mới chỉ là số hóa ở cấp thấp, còn nói về một xã hội số, phải bắt đầu từ nền tảng cơ bản là toàn bộ thiết bị trong cuộc sống phải được số hóa và kết nối. Xin nhấn mạnh là phải số hóa và kết nối hết! Theo tôi những người lãnh đạo phải tìm hiểu kỹ nguyên nhân của vấn đề này.
Vậy theo ông, nếu thực sự triển khai được việc kết nối xã hội đó thì Việt Nam sẽ có một sức bật mới thế nào, và đâu việc phải làm của những doanh nhân trẻ bây giờ?
Trung tướng Hoàng Anh Xuân: Nếu như mình xây dựng được một xã hội số hoàn thiện, Việt Nam rất nhanh để đạt được đứng đầu Đông Nam Á và xếp hạng trong châu Á. Bởi vì con người Việt Nam rất thông minh, rất năng động, thậm chí phải nói là vô cùng thông minh, vô cùng năng động.
Rất hay là thời điểm này công cuộc cái cải cách thể chế đang được thúc đẩy mạnh mẽ, dù chưa được toàn diện 100% nhưng nó là nền tảng phát rất tốt cho những lớp trẻ vươn lên, cho những mô hình mà bây giờ gọi là "start-up" đấy!
Tạo môi trường kinh doanh tốt là phải tạo ra sân rộng cho lớp trẻ. Kể cả khi đến 80% những người trẻ thành lập doanh nghiệp có thể thất bại, nhưng trong cả triệu người cũng kiếm được nhiều cá nhân xuất sắc. Quan trọng vẫn là phải có ý chí, phải có khát vọng để nhìn về phía trước!
Xin trân trọng cảm ơn Trung tướng về cuộc phỏng vấn này!
Link bài gốc