Theo báo cáo tài chính riêng lẻ quý II/2019 vừa được Công ty Cổ phần VNG công bố, doanh thu thuần quý vừa qua của "trùm công nghệ" này đạt 952 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp của VNG đạt 291 tỷ đồng, tăng 11,5%.
Trong kỳ, VNG ghi nhận 98,5 tỷ đồng chi phí tài chính, gấp 2,7 lần quý II/2018. Cùng với đó là 169 tỷ đồng chi phí bán hàng, tăng 38% và 138 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp, tăng 41%.
Kết thúc quý II/2019, VNG lỗ trước thuế 110 tỷ đồng, khác xa mức lãi 21,1 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ thuế, mức lỗ ròng của VNG là 102 tỷ đồng.
Lũy kế nửa đầu năm nay, doanh thu thuần của "trùm công nghệ" này đạt 1.816 tỷ đồng, tăng 23% so với nửa đầu năm ngoái; mức lỗ ròng đạt 70 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lãi ròng hơn 100 tỷ đồng).
Tính đến hết ngày 30/6/2019, tổng tài sản của VNG ở mức 4.069 tỷ đồng, tăng 7,3% so với hồi đầu năm.
Phần lớn tài sản của VNG tập trung ở các khoản đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết với 1.346 tỷ đồng, trong đó phải trích lập dự phòng tới 295 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tài sản của VNG cũng tập trung nhiều ở tiền gửi ngân hàng với 1.081 tỷ đồng, trong đó 42 tỷ đồng là tiền gửi không kỳ hạn, 118 tỷ đồng là tiền gửi có kỳ hạn không quá 3 tháng và 921 tỷ đồng là tiền gửi có kỳ hạn từ trên 3 tháng đến dưới 1 năm.
Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của VNG đến hết ngày 30/6/2019 đạt 3.259 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm. Nợ phải trả ở mức 809 tỷ đồng, giảm 28%.
Mặc dù lỗ riêng lẻ cả trăm tỷ đồng nhưng theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019, VNG vẫn ghi nhận mức lãi ròng khả quan, đạt 160 tỷ đồng trong quý vừa qua, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế nửa đầu năm nay, lãi ròng hợp nhất của VNG đạt 315 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ.
Trên thực tế, sở dĩ VNG lỗ riêng lẻ trăm tỷ trong quý vừa qua là do các chi phí tăng mạnh. Với việc lãi hợp nhất vẫn tăng trưởng khả quan, nhiều khả năng công ty mẹ - VNG đã gánh chi phí cho các công ty con, gây ra diễn biến trái ngược giữa lãi riêng lẻ và lãi hợp nhất.