Cuộc thoái vốn tại các thị trường mới nổi tăng tốc trong tuần qua, khi tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia khác xuất hiện nhiều bất ổn, bên cạnh những mối lo dài hạn hơn về cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu, đồng USD mạnh lên, lãi suất tăng và giá năng lượng tăng.
IIF, tổ chức có trụ sở ở Washington, nói rằng dòng vốn đầu tư chảy khỏi các thị trường mới nổi tuần này chủ yếu tập trung ở Nam Phi và Trung Quốc, với mức thoái vốn tương ứng 600 triệu USD và 500 triệu USD.
Dòng vốn đối với Ấn Độ cũng đảo chiều từ chảy vào thành chảy ra trong tuần này, khi trái phiếu Ấn Độ bị bán ròng. Khối ngoại cũng thoái vốn khỏi các thị trường Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam, nhưng với tốc độ hạn chế - IIF cho hay.
"Biến động trên thị trường, trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, rõ ràng đã gây sức ép lên tâm lý của nhà đầu tư đối với tài sản các thị trường mới nổi", báo cáo của IIF có đoạn viết.
Theo IIF, do Nam Phi có mức độ phụ thuộc lớn vào vay nợ trái phiếu và dòng vốn chảy vào thị trường chứng khoán để bù đắp thâm hụt tài khoản vãng lai lớn và đang tăng lên của nước này, nên biến động trên thị trường tài chính Nam Phi tuần qua càng lớn.
Gần 80% dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Nam Phi từ năm 2015 đến nay là vốn đầu tư danh mục - rót vào những tài sản như trái phiếu và cổ phiếu. Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp như xây dựng nhà máy chỉ chiếm chưa đầy 10% tổng lượng vốn chảy vào.
"Ảnh hưởng của những căng thẳng trên thị trường có thể sẽ lớn nhất đối với những quốc gia có nhu cầu vốn bên ngoài tương đối lớn", IIF nhận định.
Đối với Trung Quốc, nỗi lo của giới đầu tư nằm ở những dấu hiệu của sự giảm tốc tăng trưởng và cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ chưa có hồi kết.
Thái Lan, Qatar và Brazil là những quốc gia mới nổi duy nhất được IIF theo dõi chứng kiến vốn ròng chảy vào trong tuần qua.
IIF cũng nói rằng đợt bán tháo tài sản tại các thị trường mới nổi nói chung trong tuần qua không nghiêm trọng như đợt bán tháo khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung mới bùng lên.