Vào năm 2015, Microsoft mua lại Wunderlist, một ứng dụng quản lý danh sách việc cần làm do chàng trai trẻ Christian Reber đồng sáng lập cùng các bạn Đại học.
Các báo cáo cho thấy mức giá mà Microsoft bỏ ra rơi vào khoảng 100 - 200 triệu USD. Số tiền khổng lồ giúp Christian Reber trở thành triệu phú tự thân, lọt vào danh sách Forbes 30 Under 30 khu vực châu Âu. Thế nhưng anh lại không có cảm giác vui vẻ như đã mong đợi.
Khi tiền không mang lại hạnh phúc
“Tôi nghĩ việc bán Wunderlist là một trải nghiệm kỳ lạ. Tôi cảm thấy như mình vừa mất một đứa con vậy. Thực sự tôi thấy mình như bị trầm cảm và không vui chút nào. Tôi như bị tách khỏi các cộng sự và với chính công ty mà tôi đã tạo ra", Reber chia sẻ.
Với thiết kế đơn giản, dễ tiếp cận, Wunderlist thu hút khoảng 16 triệu người dùng. Wunderlist là dự án khởi nghiệp thành công đầu tiên và dễ hiểu khi công ty trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của Christian Reber.
Doanh nhân trẻ thậm chí còn phải gặp bác sĩ trị liệu tâm lý để vượt qua cú sốc tinh thần sau khi bán Wunderlist. Anh tin rằng mình chưa chuẩn bị tinh thần để bán Wunderlist - "đứa con" mà anh đã dốc hết tâm huyết xây dựng trong 5 năm.
Khi Microsoft đưa ra lời đề nghị mua lại, bạn gái của Reber - Charlette Prevot, đã mang thai. Cô Prevot cũng là nhà đồng sáng lập Wunderlist với Reber và bốn người khác.
"Với tư cách là nhà sáng lập, tôi phải đưa ra lựa chọn. Một là mở một vòng gọi vốn và cố gắng giúp công ty kinh doanh có lãi. Hoặc tôi có thể bán nó với giá hời và gia đình tôi được độc lập tài chính", Reber nhớ lại.
Cặp đôi cuối cùng đã quyết định từ bỏ Wunderlist - nơi từng khiến cả hai mệt mỏi trong suốt vài năm và thậm chí còn từng rơi vào cảnh cháy túi:
"Tôi hoàn toàn kiệt sức và tôi cảm thấy bán công ty là quyết định tốt nhất cho tất cả những người liên quan. Khi bán Wunderlist, tôi chưa bao giờ ăn mừng, tôi không tiệc tùng, không dự những bữa tối sang trọng. Tôi chỉ muốn tắt mọi email đi. Tôi thậm chí còn không đùa giỡn nữa. Có những lúc tôi đang ôm con nhưng phải nhờ vợ bế đi vì tôi không muốn đứa bé thấy bố nó đang buồn".
Đề nghị mua lại Wunderlist
Reber cho biết anh mất đến 2 năm mới chấp nhận được việc mình đã bán Wunderlist:
“Tôi độc lập về tài chính, điều đó thật tuyệt vời. Tôi đã xây dựng một thứ có tác động thực sự tích cực. Mọi người sẽ luôn nhớ đến Wunderlist. Đó là một sản phẩm tuyệt vời và rất nhiều người tuyệt vời đã có được công việc tốt tại Microsoft. Vì vậy, thực sự không có lý do gì để thất vọng về điều đó".
Thế nhưng điều ít ai ngờ đến là đến năm 2019, Microsoft thông báo họ có kế hoạch đóng cửa Wunderlist và thay thế ứng dụng bằng Microsoft To Do. Vào tháng 9 cùng năm, Reber đặt giá thầu để mua lại "đứa con tinh thần" từ Microsoft.
"Xin hãy để tôi mua lại", Reber viết trong bức thư gửi trực tiếp đến giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella và Marcus Ash, phó chủ tịch sản phẩm và kỹ thuật Microsoft.
Christian Reber bị từ chối và Microsoft vẫn dừng hoạt động Wunderlist vào năm 2020. Tuy nhiên, Reber vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ.
Khởi nghiệp lần nữa và cạnh tranh trực tiếp với Microsoft
Đến năm 2021, Christian Reber quyết định thành lập một ứng dụng mới với tên gọi 'Superlist'. Anh mô tả đây là “người kế nhiệm không chính thức cho Wunderlist”.
Một trong những nguyên nhân chính khiến Reber cảm thấy thất vọng khi Microsoft đóng cửa Wunderlist là vì anh cho rằng Microsoft đã không phát triển ứng dụng như định hướng ban đầu:
"Những gì chúng tôi muốn làm là xây dựng ứng dụng tiêu chuẩn, có tính ứng dụng cao để sử dụng trong các dự án cá nhân và kinh doanh"
Trên thị trường đã có các ứng dụng quản lý danh sách cần làm cho doanh nghiệp như Asana và Trello hoặc các ứng dụng cho cá nhân như Things hoặc To Do. Nhưng theo Reber, chưa có ứng dụng nào làm tốt cả hai nhiệm vụ như Superlist.
Superlist được thiết kế để trở thành "cầu nối hoàn hảo" giữa các ứng dụng việc cần làm của cá nhân và phần mềm cộng tác của doanh nghiệp. Sản phẩm được thiết kế để giúp người dùng mở rộng dự án với quy mô lên tới 200 người.
Cho đến nay, Superlist có 20 nhân viên và huy động được 3 triệu USD. Công ty đang hướng tới một vòng tài trợ mới trong thời gian gần.
“Tôi đang mơ về việc xây dựng một Microsoft của riêng tôi", Reber tự tin nói.
Không chỉ dừng lại ở Superlist, Reber còn đồng sáng lập một công ty khác có tên là Pitch, cạnh tranh trực tiếp với Microsoft PowerPoint. Pitch thậm chí còn phát triển nhanh hơn cả Superlist khi có 160 nhân viên, thu hút 130 triệu USD đầu tư và được định giá 600 triệu USD.
"Chúng tôi cảm thấy các bài thuyết trình là yếu tố ảnh hưởng đến các quyết định lớn nhất trong cả kinh doanh lẫn chính trị, đó là lý do chúng tôi thành lập Pitch. Hãy nghĩ về Pitch như sự kết hợp giữa PowerPoint, SlideShare và Google Docs", Reber chia sẻ.