Mandi Woodruff-Santos là một chuyên gia tài chính cá nhân. Cô là khách mời quen thuộc trên nhiều chương trình lớn như Good Morning America, ABC World News Tonight...
Khởi nghiệp từ khoảng năm 20 tuổi, Santos đã phát triển chiến lược kiếm tiền thông minh giúp tối đa hóa thu nhập. Hiện tại, ở tuổi 34, cô đã sở hữu khối tài sản ròng hơn 700.000 USD. Với thu nhập từ tiền lương và các khoản đầu tư như hiện tại, Santos hoàn toàn có thể trở thành triệu phú USD ở sinh nhật thứ 40.
Thay đổi thói quen chi tiêu là chìa khóa quan trọng giúp Mandi Woodruff-Santos đạt được vị trí như ngày hôm nay. Dưới đây là 7 thói quen tiền bạc mà cô khuyên mọi người nên áp dụng ngay trước khi bước sang tuổi 40.
1. Tiết kiệm và đầu tư cùng lúc
Từng trải qua nhiều thời kỳ suy thoái kinh tế nghiêm trọng, Santos rất lo lắng mỗi khi nghĩ đến việc đầu tư. Cô nhận ra, giữ tiền trong tài khoản tiết kiệm có thể an toàn, nhưng lại cản trở việc tiếp cận cơ hội phát triển của cải.
Vì vậy, Santos đã vạch ra một kế hoạch vừa cho phép cô tiết kiệm cũng như đầu tư cùng lúc. Ở mỗi kỳ lương, cô thiết lập chuyển khoản tự động 10% tiền lương vào quỹ hưu trí cá nhân và thêm 10% nữa vào một tài khoản tiết kiệm lãi suất cao.
2. Đừng ngại bỏ công việc hiện tại để nhận một công việc trả lương cao hơn
Sau khi hình thành thói quen dành 20% tiền lương để đầu tư và tiết kiệm, Santos tập trung nghĩ cách làm sao để tăng tiền lương hơn nữa. Cô không ngần ngại yêu cầu ông chủ tăng lương, hoặc rời bỏ công việc hiện tại để theo đuổi việc mới lương cao hơn.
Santos cho biết mỗi lần nghỉ việc để tìm một công việc mới, cô đều được tăng lương ít nhất 30%. Tất nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng tất cả mọi người, và bạn cần đảm bảo mình đã suy nghĩ kỹ về tương lai cũng như mục tiêu sự nghiệp của bản thân trước khi quyết định.
3. Tránh "lạm phát" lối sống
Khi bạn trẻ, mỗi lần được tăng lương, nhiều người có tâm lý muốn chuyển đến căn hộ lớn, tiện nghi hơn hay đi du lịch.
Tuy nhiên Santos vẫn giữ chi phí sinh hoạt ở mức thấp. Cô đặt ra quy tắc tiền thuê nhà không chiếm quá 30% chi phí sinh hoạt, Santos vẫn sống chung với bạn dù hoàn toàn đủ tiền sống một mình.
4. Đừng để ngân sách quá cứng nhắc
Ban đầu, Santos lập ngân sách chi tiêu khá hạn hẹp và cố gắng tiết kiệm càng nhiều càng tốt. Cô ít khi đi ăn ngoài, thậm chí cảm thấy có lỗi với bản thân khi lỡ mua món quà đắt tiền trong ngày lễ. Tuy nhiên cô nhanh chóng nhận ra cách làm này quá cứng nhắc và khiến chất lượng cuộc sống giảm sút.
Lời khuyên từ Santos là đừng ép bản thân phải tuân theo ngân sách quá eo hẹp. Thay vào đó, hãy tự động dành một khoản cố định hàng tháng cho tiết kiệm và đầu tư.
5. Xây dựng mối quan hệ bền vững
Santos vốn là một người hướng nội nên sợ tham dự hội nghị hay sự kiện. Thay vào đó, Santos cảm thấy mình tốt hơn khi duy trì mối quan hệ 1-1 lâu dài. Cô luôn giữ liên lạc với bạn bè cũng như đồng nghiệp trước đây. Phương thức liên lạc chủ yếu là qua mạng xã hội, email hoặc đơn giản là tin nhắn động viên ngắn.
Khi nhận được tin tuyển dụng tiềm năng, Santos không ngần ngại chia sẻ với bạn bè. Đổi lại, người quen của cô cũng làm điều tương tự, giúp cô có thêm cơ hội việc làm mới. Đây cũng là cách hay giúp bạn cập nhật xu hướng tiền lương trong ngành và đảm bảo mình được trả mức lương hợp lý.
6. Kiểm tra báo cáo tín dụng thường xuyên
Santos từng mất 12.000 USD trong một vụ gian lận tín dụng khi cô 20 tuổi. Từ đó, cô hình thành thói quen kiểm tra báo cáo tín dụng hàng tháng để tránh bị lừa, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch dễ gia tăng vụ lừa đảo.
Cô sử dụng công cụ thông minh như Discover Scorecard hoặc Credit Karma để nhận các cảnh báo gian lận sớm. Cô cũng tỏ ra đề phòng trước các hoạt động đáng ngờ như lỗi đánh máy, tin nhắn nặc danh...
7. Đừng ngại bỏ tiền thuê cố vấn tài chính
Bản thân Santos là một chuyên gia tài chính và biết cách quản lý chi tiêu từ sớm. Tuy nhiên sau khi kết hôn, cô gặp khó khăn trong việc điều chỉnh chi tiêu với chồng.
Cô và chồng có thu nhập tương đồng nhau, nhưng quan điểm chi tiêu lại khác biệt. Chồng Santos là người chi tiêu phóng khoáng trong khi cô đề cao tiết kiệm và bền vững. Việc thuê cố vấn tài chính đã giúp hai vợ chồng đạt được sự đồng thuận, và giúp cả hai cố gắng vì mục tiêu chung trong tương lai.