Kết quả khảo sát lần thứ 23 của PwC với sự tham gia của gần 1.600 CEO từ 83 quốc gia trên thế giới vừa được công bố tại Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới diễn hôm 20/1 vừa qua tại Davos, Thụy Sĩ cho thấy, bước vào một thập kỷ mới, các CEO đang bày tỏ mức độ bi quan kỷ lục đối với kinh tế toàn cầu, với 53% dự đoán mức độ tăng trưởng kinh tế sẽ sụt giảm vào năm 2020.
Chỉ số này đã tăng vọt từ 29% của năm 2019 và từ chỉ 5% vào năm 2018 - đánh dấu mức độ bi quan chưa từng có kể từ khi câu hỏi này được đưa ra vào năm 2012.
Tương phản với đó, con số 42% CEO dự đoán triển vọng kinh tế được cải thiện vào năm 2019 giảm xuống chỉ còn 22% vào năm 2020.
Nổi bật là mức độ bi quan của các CEO khu vực Bắc Mỹ, Tây Âu và Trung Đông với lần lượt tỉ lệ 63%, 59% và 57% CEO từ các khu vực này dự đoán tăng trưởng toàn cầu sẽ ở mức thấp hơn trong năm tới.
Bên cạnh đó, so với tại các khu vực khác, các CEO trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương có mức độ lạc quan cao nhất về tăng trưởng kinh tế thế giới, với 35% dự đoán tăng trưởng và đặc biệt 15% kỳ vọng mức tăng trưởng cao trong 12 tháng tới.
Điều này cũng đồng nhất với kết quả khảo sát lãnh đạo các doanh nghiệp châu Á – Thái Bình Dương 2019 của PwC, theo đó 34% các CEO trong khu vực này (cụ thể là 49% các CEO Việt Nam) có quan điểm lạc quan về tăng trưởng doanh thu doanh nghiệp trong năm tiếp theo, bất chấp xu hướng bi quan về doanh thu của các CEO toàn cầu...
Ông Phó Đức Giang, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ An toàn Thông tin PwC Việt Nam cho biết: “Các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội từ sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế số, bên cạnh đó cũng cần chuẩn bị sẵn sàng tiềm lực để thích nghi với các thách thức mới trong việc đáp ứng tuân thủ các quy định an toàn an ninh mạng trong nước và các chuẩn mực an toàn thông tin mạng trên thế giới.”
“Có thể thấy sự lạc quan chung giữa các CEO Việt Nam và trong khối APEC về triển vọng phát triển trong năm tới, khi khu vực châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục là điểm đến và là nguồn đầu tư nước ngoài hấp dẫn, thêm vào đó là tăng trưởng vững vàng của thị trường nội địa các quốc gia trong khu vực…”, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC Việt Nam chia sẻ.
Tổng giám đốc PwC Việt Nam cũng lưu ý, trong bối cảnh những bất ổn của kinh tế toàn cầu hiện nay, các doanh nghiệp cần có sự linh hoạt và thức thời về các nhân tố ảnh hưởng để sẵn sàng đối phó và thích ứng với những thách thức trong tương lai.
Còn theo Chủ tịch toàn cầu của PwC, ông Bob Moritz, về mặt tích cực, trong khi các lãnh đạo doanh nghiệp bày tỏ mức độ bi quan kỷ lục, thì bên cạnh đó vẫn còn có những cơ hội thực sự.
“Với chiến lược nhanh nhạy, sự tập trung sắc bén trước những kỳ vọng đang thay đổi của các bên liên quan, cùng với với kinh nghiệm mà nhiều lãnh đạo đã đúc kết được trong bối cảnh đầy thách thức mười năm vừa qua, lãnh đạo các doanh nghiệp có thể định hướng qua giai đoạn suy thoái kinh tế này và tiếp tục vươn lên để phát triển", ông Bob Moritz nhận định.
Khảo sát này được thực hiện và công bố trước dịch nCoV bùng phát và khả năng trong thực tế, mức độ bi quan đối với kinh tế toàn cầu còn lớn hơn.