Vay thêm 2.800 tỷ đồng, mục đích khoản vay không được thông báo
Ngày 15/10, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Vinaconex ITC, UPCoM: VCR) đã thông qua nghị quyết số 15/2024/NQ-HĐQT của Hội đồng Quản trị (HĐQT), phê duyệt khoản vay lên tới 2.800 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Khoản vay này sẽ có thời hạn từ ngày giải ngân đến hết ngày 31/12/2027 và được đảm bảo bằng các tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Vinaconex ITC.
Việc vay vốn này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ công ty trong hoạt động tài chính và kinh doanh, dù mục đích cụ thể của khoản vay không được đề cập rõ trong thông báo.
Vinaconex ITC là công ty con của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, MCK: VCG) với tỷ lệ sở hữu 51% (theo BCTC hợp nhất bán niên 2024 đã soát xét của VCR).
Lũy kế nửa đầu năm 2024, Vinaconex ITC ghi nhận "trắng doanh thu" trong khi các khoản chi phí vẫn ở mức cao, do đó công ty lỗ ròng hơn 10,8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước vẫn có lãi 1,4 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý II/2024, tổng tài sản của Vinaconex ITC ở mức 5.024,8 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,4% so với đầu năm. Trong đó, tài sản dở dang dài hạn lên tới gần 4.541 tỷ đồng (chiếm 90,4% tổng tài sản), hầu hết đều là chi phí đầu tư dự án Khu đô thị Cái Giá.
Về nguồn vốn, tổng nợ phải trả mức 3.431 tỷ đồng, với vay và nợ thuê tài chính là 1.500 tỷ đồng (nợ vay ngắn hạn 355,3 tỷ đồng và dài hạn là 1.144,7 tỷ đồng).Tại thời điểm ngày 30/6/2024, Vinaconex ITC lỗ luỹ kế lên tới 528,8 tỷ đồng.
Điểm đáng lưu ý, trong nửa đầu năm 2024, phần nguồn vốn không có biến động nào đáng kể ngoại trừ khoản mục phải trả người bán ngắn hạn tăng 93,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 435,3 tỷ đồng, lên 900,3 tỷ đồng và chiếm 17,9% tổng nguồn vốn.
Như vậy, trong nửa đầu năm 2024, Vinaconex ITC chưa có dấu hiệu được bơm thêm vốn đáng kể, thậm chí phải giảm bớt nợ vay khi đang trong giai đoạn triển khai dự án.
Doanh nghiệp này được biết đến là chủ đầu tư dự án Khu đô thị du lịch Cái Giá (Cát Bà, Hải Phòng), với tên thương mại Cát Bà Amatina. Dự án có tổng diện tích 172,37ha, tổng mức đầu tư 10.942 tỷ đồng.
Theo giới thiệu trên website của Vinaconex-ITC, dự án Cát Bà Amatina được quy hoạch trở thành khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Xanh - Thông minh - Đẳng cấp, bao gồm: 1.300 căn biệt thự đơn lập, song lập, liền kề; các tòa nhà cao tầng hỗn hợp; các tòa căn hộ dịch vụ; khu biệt thự nghỉ dưỡng hạng sang và khu khách sạn bao gồm: các khách sạn mini, các khách sạn 5 sao và các khách sạn siêu cao cấp; các khu vui chơi giải trí trong nhà, ngoài trời, trung tâm thương mại, bến du thuyền và nhiều hạng mục đặc sắc khác.
Để triển khai và kinh doanh dự án này, HĐQT đã thông qua phương án bán một phần dự án cho nhà đầu tư khác nhằm huy động vốn cho các giai đoạn tiếp theo.
Ngoài việc bán một phần dự án, Vinaconex ITC cũng có kế hoạch hợp tác với các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng để huy động thêm vốn, tạo nguồn lực tài chính ổn định cho dự án Cát Bà Amatina. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh công ty đang tích cực tìm kiếm các giải pháp tài chính để mở rộng quy mô đầu tư và đảm bảo tiến độ của dự án theo kế hoạch đã đề ra.
Phải trả 2.200 tỷ đồng cho Công ty mẹ Vinaconex, Chủ tịch từ nhiệm
Trước đó, trong năm 2023, Vinaconex ITC ghi nhận doanh thu đạt 33,22 tỷ đồng, giảm 82,2% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 286,7 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 5,4 tỷ đồng, giảm 292,1 tỷ đồng.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 79,7% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 22,07 tỷ đồng, về 5,61 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng đột biến thêm 276,41 tỷ đồng so với cùng kỳ, lên 277,1 tỷ đồng; và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Điểm đáng lưu ý, trong năm 2023, mục phải trả dài hạn khác đối với Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã VCG – sàn HoSE) đã giảm từ 2.200 tỷ đồng, về 0 tỷ đồng.
Lý giải chi phí tài chính tăng đột biến trong năm 2023, Vinaconex ITC cho biết do Công ty phát sinh chi phí vốn từ nhận vốn góp đầu tư 277,1 tỷ đồng so với cùng kỳ không phát sinh.
Trong đó, Vinaconex ITC cho biết ngày 30/9/2023, Công ty đã thông qua việc chấm dứt hợp đồng hợp tác với Vinaconex, vì vậy hai bên đã tiến hành thanh lý hợp đồng, Vinaconex ITC có nghĩa vụ thanh toán chi phí vốn phát sinh đối với khoản vốn góp của Vinaconex là 277,1 tỷ đồng.
Được biết, theo hợp đồng hợp tác đầu tư ngày 10/6/2021, Vinaconex ITC và Vinaconex cùng hợp tác đầu tư phân khu CT02 và hạ tầng kết nối phân khu CT02 của Dự án Khu đô thị du lịch Cái Giá – Cát Bà tại thị trấn Cát Bà, xã Trân Châu, huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng.
Theo kế hoạch, phân CT02 và hạ tầng kết nối phân khu CT02 được thực hiện dự kiến trong 8 năm. Trong đó, Vinaconex góp 2.200 tỷ đồng bằng tiền mặt, được hưởng 50% lợi nhuận từ phân khu CT02, đồng thời Vinaconex ITC đảm bảo lợi nhuận phân chia cho Vinaconex trong thời gian hợp tác đầu tư không thấp hơn 15%/năm trên số dư thực tế mức góp vốn đầu tư của Vinaconex theo từng thời điểm và phân khu CT02.
Điểm đáng lưu ý, mặc dù thông báo ngừng hợp tác tại đầu tư phân khu CT02 và Hạ tầng kết nối phân khu CT02 của Dự án Khu đô thị Du lịch Cái Giá. Tuy nhiên, tại thời điểm 31/12/2023, Vinaconex vẫn đang là cổ đông lớn nhất, sở hữu 51% vốn điều lệ tại Công ty Vinaconex ITC.
Bên cạnh việc rút vốn, về nhân sự, Vinaconex ITC cũng thực hiện miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Đào Ngọc Thanh do có đơn từ nhiệm.Được biết, ông Đào Ngọc Thanh được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch HĐQT Vinaconex ITC từ ngày 22/3/2021 nhưng tới ngày 23/1/2024 đã có đơn xin từ nhiệm. Trong đó, ông Đào Ngọc Thanh hiện là Chủ tịch HĐQT Vinaconex.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Vinaconex, trước lo ngại của cổ đông Vinaconex sẽ rút vốn khỏi Vinaconex ITC, ông Nguyễn Xuân Đông, Tổng giám đốc Vinaconex cho biết, Công ty sẽ tiếp tục bơm vốn cho dự án Cát Bà Amatina. Việc rút 2.200 tỷ đồng Vinaconex ITC là số tiền huy động từ phát hành trái phiếu để hợp tác xây hai toà khách sạn nhưng tình hình thị trường khó nên công ty rút về trả nợ trái phiếu.
Theo ông Nguyễn Xuân Đông, Vinaconex hiện là công ty mẹ - sở hữu 51% vốn Vinaconex ITC. Cát Bà Amatina là dự án lớn, nhưng là dự án nghỉ dưỡng không phải nhu cầu cấp thiết, trong khi thị trường vẫn còn khá yếu.