Ngày pháp luật

Vinaconex (VCG) đã thoái hết vốn khỏi Cảng quốc tế Vạn Ninh

Đoàn Chi

Theo báo cáo quý I/2024, tính đến ngày 31/03/2024, Vinaconex sở hữu 40% cổ phần tại CTCP Cảng quốc tế Vạn Ninh, tương ứng giá trị vốn góp hơn 198 tỷ đồng.

Vinaconex (VCG) đã thoái hết vốn khỏi Cảng quốc tế Vạn Ninh

Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HoSE: VCG) vừa có thông báo về việc đã hoàn tất giao dịch chuyển nhượng toàn bộ cổ phần và không còn vốn góp tại CTCP Cảng quốc tế Vạn Ninh. Giá trị thương vụ và đối tác nhận chuyển nhượng chưa được tiết lộ.

Trước đó, ngày 22/5, HĐQT Vinaconex đã có quyết định phê duyệt phương án chuyển nhượng toàn bộ 2 triệu cổ phần tại Cảng quốc tế Vạn Ninh.

Được biết, CTCP Cảng quốc tế Vạn Ninh là chủ đầu tư Dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh giai đoạn 1, với quy mô gần 83 ha nằm tại xã Vạn Ninh, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Tổng mức đầu tư dự kiến trong giai đoạn 1 của dự án là hơn 2.200 tỷ đồng.

Vào giữa tháng 9/2021, trước thời điểm khởi công dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh, Tổng công ty Vinaconex đã quyết định đầu tư góp 40% vốn điều lệ tại Công ty CP Cảng quốc tế Vạn Ninh.

Ngày 24/10/2021, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức khởi công cảng Vạn Ninh giai đoạn 1. Thời gian xây dựng dự kiến trong 3 năm, hoàn thành và đưa vào khai thác trong quý IV/2024.

Theo thiết kế, bến cảng có bến cầu chính dài 500 m, có thể đỗ đồng thời 2 tàu trọng tải lên đến 20.000 DWT hoặc 3 tàu trọng tải 10.000 DWT và đậu các sà lan ở mặt sau; khu kho bãi sẽ được đầu tư đồng bộ, trang bị hạ tầng hiện đại đáp ứng tốt nhất yêu cầu làm hàng tổng hợp và container. Ngoài ra, dự án còn có kho CFS, nhà điều hành cảng…

Cảng biển Vạn Ninh được kỳ vọng không chỉ là điểm trung chuyển hàng hoá trong nước mà còn giữ vai trò cửa ngõ kết nối giữa Trung Quốc, các nước Đông Bắc Á với Việt Nam và ASEAN, mở ra những cơ hội, kỳ vọng, thành tựu mới cho Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái.

Tin Cùng Chuyên Mục