Ngày pháp luật

TP HCM: Doanh nghiệp kẹt cứng hơn 1.500 tỷ kêu cứu vì sự việc bất thường ở tòa án quận 7

Bình Minh

Bỏ ra hơn 1.500 tỷ đồng để mua dự án qua đấu giá tài sản, giúp ngân hàng xử lý nợ xấu nhưng Công ty CP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP HCM đang đối mặt với những khó khăn khủng khiếp khi số vốn đầu tư bị kẹt cứng bởi một vụ án lạ lùng do Tòa án quận 7 thụ lý.

TP HCM: Doanh nghiệp kẹt cứng hơn 1.500 tỷ kêu cứu vì sự việc bất thường ở tòa án quận 7 - Ảnh 1

 

Giải cứu khoản nợ xấu của ngân hàng, doanh nghiệp lâm cảnh khốn đốn

Đây là sự việc đang xảy ra đối với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP Hồ Chí Minh (trước đây là Công ty TNHH Xây dựng  A Đông Hải). Nếu vụ việc không được các cơ quan nhà nước ở trung ương quan tâm, giám sát và giải quyết theo tinh thần thượng tôn pháp luật thì sự phá sản của một doanh nghiệp đã đầu tư hơn 1.353 tỷ để giải cứu nợ xấu cho ngân hàng chỉ còn là vấn đề thời gian.

Sự việc bắt đầu tư câu chuyện Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Thiên Phú vay Ngân hàng NN và PTNT Chi nhánh Chợ Lớn hơn 18.643 lượng vàng để thực hiện dự án khu dấn cư Hòa Lân, huyện Thuận An, Bình Dương. Tổng số nợ quy đổi là hơn 1.117 tỷ đồng nhưng không có khả năng trả nợ nên Công ty Thiên Phú phải đem chính dự án khu dân cư Hòa Lân bán đi để trả nợ ngân hàng.

Sau nhiều lần tổ chức bán đấu giá không thành công, ngày 25/5/2017, phiên bán đấu giá dự án khu dân cư Hòa Lân do Công ty cổ phần dịch vụ bán đấu giá Nam Sài Gòn tổ chức lần thứ 13 với 3 khách hàng đăng ký tham gia đấu giá mua dự án này. Giá khởi điểm là 963 tỷ đồng.

Sau 14 vòng trả giá, Công ty Xây dựng A Đông Hải đã trúng đấu giá với giá trả cao nhất là 1.353 tỷ đồng. Biên bản cuộc bán đấu giá đã ghi nhận sự việc với sự tham gia của bên có tài sản bán đấu giá là Công ty Thiên Phú.

TP HCM: Doanh nghiệp kẹt cứng hơn 1.500 tỷ kêu cứu vì sự việc bất thường ở tòa án quận 7 - Ảnh 2

 Dự án được gắn biển Công ty Thiên Phú để hoang trong một thời gian dài

Ngày 1/7/2017, hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá đã được ký kết giữa 4 bên là Công ty cổ phần Dịch vụ bán đấu giá Nam Sài Gòn, bên có tài sản bán đấu giá là Ngân hàng NN và PTNT Chi nhánh Chợ Lớn, bên có tài sản bị xử lý là Công ty Thiên Phú và bên mua tài sản là Công ty Xây dựng A Đông Hải.

Theo biên bản bán đấu giá và hợp đồng mua bán tài sản qua đấu giá thì dự án có diện tích đất sử dụng là hơn 490.765m2, trong đó có 246.853m2 đất giao không thu tiền sử dụng đất và 243.912m2 đất giao có thu tiền sử dụng đất, được thể hiện bằng 85 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do chính quyền địa phương cấp.

Sau khi mua dự án này, Công ty Xây dựng A Đông Hải (sau này đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP Hồ Chí Minh) đã thanh toán toàn bộ số tiền mua tài sản và bỏ ra gần 100 tỷ để xử lý những vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng và các nghĩa vụ khác của chủ đầu tư dự án mà Công ty Thiên Phú chưa hoàn thành; thanh toán hơn 97 tỷ tiền lãi chậm trả. Tổng công, Công ty Kim Oanh TP HCM đã đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng vào dự án này.

Theo báo cáo của Ngân hàng NN và PTNT Việt Nam, Ngân hàng đã thu đủ khoản nợ phải trả của Công ty Thiên Phú với số tiền 1.353 tỷ đồng bán đấu giá tài sản thế chấp mà Công ty Kim Oanh TP HCM đã thanh toán, trong đó có hơn 1.092 tỷ tiền gốc và hơn 261 tỷ đồng tiền lãi.

Những tưởng với số tiền bỏ ra rất lớn như trên, Công ty Kim Oanh TP HCM sẽ nhanh chóng thực hiện dự án để thu hồi vốn. Nhưng không, dự án đã bị ngừng trệ do những việc làm có tính toán từ phía Công ty Thiên Phú - doanh nghiệp đã không có tiền trả nợ phải giao dự án cho Ngân hàng NN và PTNT xử lý để thu hồi nợ.

Theo phản ánh của Công ty Kim Oanh TP HCM, có những bằng chứng cho thấy, đăng sau việc làm của Công ty Thiên Phú là những toan tính của một “nhóm lợi ích” cạnh tranh với công ty trong lĩnh vực bất động sản đã nhìn thấy tiềm năng to lớn của dự án khi Công ty trúng đấu giá dự án này và xử lý xong nợ xấu của Công ty Thiên Phú.

Những “chiêu thức” khiến Công ty Kim Oanh TP HCM không thể triển khai dự án này được thực hiện như thế nào?

Dùng vụ kiện để ngáng trở dự án

Việc khởi kiện để giải quyết tranh chấp trong hoạt động kinh tế, thương mại giữa các doanh nghiệp là chuyện rất thường tình. Song, không ít vụ kiện lại được sử dụng như một chiêu bài để gây thiệt hại cho đối thủ và sử dụng làm phương thức để mặc cả trong làm ăn.

Liệu vụ kiện liên quan đến việc Công ty Kim Oanh TP HCM trúng đấu giá dự án khu dân cư Hòa Lân có phải là trường hợp này hay không, hãy nhìn vào nội dung đơn khởi kiện và cái cách mà TAND quận 7, TP HCM thì sẽ có câu trả lời.

Ngày 14/2/2019, Công ty Thiên Phú làm đơn khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng mua bán tài sản đấu giá. Bên bị kiện là Công ty cổ phần dịch vụ bán đấu giá Nam Sài Gòn, có trụ sở tại Quận 7, TP HCM.

Ngày 21/2/2019, đơn kiện đã đến phòng văn thư của Tòa án. Và rất nhanh, ngày 27/2/2019, chỉ 6 ngày sau khi nhận được đơn kiện, TAND quận 7 đã ra thông báo thụ lý vụ án.

Theo thông báo của Tòa án, đơn khởi kiện của Công ty Thiên Phú có nội dung yêu cầu tuyên hợp đồng mua bán tài sản đấu giá ngày 1/7/2017 là vô hiệu và hủy kết quả đấu giá ngày 25/5/2017. Một điều đáng nói là kết quả bán đấu giá và hợp đồng mua bán tài sản đều được Công ty Thiên Phú ký đầy đủ gần 2 năm trước đó.

Việc tích cực một cách đáng ngạc nhiên của TAND quận 7 không chỉ dừng lại ở việc thụ lý đơn khởi kiện mà việc thụ lý đơn khởi kiện bổ sung còn nhanh hơn. Ngày 10/3/2019, Công ty Thiên Phú bổ sung đơn khởi kiện thì 3 ngày sau, TAND quận 7 đã có thông báo thụ lý đơn khởi kiện bổ sung.

Việc tích cực xử lý đơn từ của đương sự với tốc độ như vậy là rất hiếm gặp mà ở những trường hợp khác có lẽ đáng được biểu dương, song trong vụ việc này lại đặt ra những nghi ngờ về sự vô tư đến từ tòa án, đặc biệt là khi xem xét những vấn đề nêu trong đơn kiện.

Điều đáng nói hơn, chỉ 2 ngày sau khi có quyết định thụ lý bổ sung đơn kiện, TAND quận 7 đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, “cấm dịch chuyển quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp” là hơn 490 hecta đất dự án khu dân cư Hòa Lân, được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Với quyết định này của TAND quận 7, việc thực hiện dự án của Công ty Kim Oanh TP HMC trở thành “nhiệm vụ bất khả thi”. Khi Công ty tiến hành các thủ tục hành chính liên quan đến dự án, chính quyền đều từ chối với lý do dự án đang có tranh chấp và có quyết định “cấm” của Tòa án.

Hãy khoan nói đến nội dung khởi kiện và những yêu cầu khởi kiện của Công ty Thiên Phú có cơ sở pháp lý hay không mà trước hết hãy nhìn vào cái cách mà TAND quận 7 giải quyết đơn từ và mục đích thực sự của “đương sự” trong vụ án này thì sẽ thấy được góc khuất của vụ án và vai trò của Tòa án trong vụ việc này.

Đâu tiên là việc TAND quận 7 xử lý rất nhanh đơn khởi kiện và khởi kiện bổ sung để rồi rất nhanh đã có quyết định cấm Công ty Kim Oanh TP HCM dịch chuyển tài sản cho thấy, mục đích thực sự của những người khởi xướng vụ kiện này chính là nhằm cản trở Công ty Kim Oanh TP HCM triển khai dự án, để 1.500 tỷ kẹt cứng tại dự án này. Nếu tranh chấp kéo dài, thiệt hại là bao nhiêu đối với doanh nghiệp này thì ai cũng có thể thấy được.

Công ty Thiên Phú khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng mua bán tài sản và hủy kết quả đấu giá vì lý do rất “lớn” là giá khởi điểm thiếu mất hơn 346 triệu đồng và việc Công ty Kim Oanh TP HMC chậm thanh toán tiền mua tài sản với ngân hàng, trong khi đó, chính Ngân hàng NN và PTNT khẳng định việc chậm thanh toán này không ảnh hưởng gì. Việc hủy kết quả đấu giá để lại hậu quả rất lớn đối với các bên liên quan, đặc biệt là Công ty Thiên Phú bởi lẽ số tiền mà Công ty Kim Oanh TP HCM đã bỏ ra để xử lý nợ xấu là rất lớn.

Do đó, việc đòi hủy hợp đồng có thực sự là mong muốn của Công ty Thiên Phú hay vụ kiện là chiêu trò gây khó khăn cho chủ dự án để phục vụ cho các toan tính lợi ích khác như phản ánh của Công ty Kim Oanh?

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ công bố các tài liệu liên quan để làm rõ điều này trong các kỳ tiếp theo.

Tin Cùng Chuyên Mục