Ngày pháp luật

Toshiba chấp nhận “bán mình” với giá 15,2 tỷ USD cho nhóm doanh nghiệp Nhật Bản

Hải Đăng

Tập đoàn 148 năm tuổi đã chấp nhận đề xuất mua lại với giá khoảng 15,3 tỉ USD của liên minh doanh nghiệp Nhật Bản chiều 23-3, chấm dứt nhiều năm liền khủng hoảng.

HĐQT Toshiba cho biết đã duyệt đề nghị trên của một nhóm doanh nghiệp do Japan Industrial Partners (JIP) đứng đầu.

Toshiba cho biết 17 công ty Nhật và 6 tổ chức tài chính trong nước sẽ tham gia vào thương vụ này, trong đó có những cái tên như công ty dịch vụ tài chính Orix Corp, Nhà sản xuất chip Rohm Co và Chubu Electric Power… Thỏa thuận thành công đồng nghĩa tập đoàn lâu đời này được tư nhân hóa và nắm chắc trong tay người Nhật sau nhiều căng thẳng với các cổ đông hoạt động ở nước ngoài.

Thương vụ trị giá 2.000 tỷ yen (15,3 tỷ USD) tương ứng với 4.620 yen mỗi cổ phiếu của tượng đài công nghệ Nhật Bản. Con số này cao hơn 9,7% so với mức giá chốt phiên cổ phiếu Toshiba hôm 23/3 là 4.213 yên. Theo dữ liệu của Refinitiv, đây sẽ là giao dịch M&A lớn thứ ba trên toàn cầu trong năm nay.

Động thái này có thể chấm dứt nhiều năm hỗn loạn tại Toshiba với hàng loạt bê bối khiến công ty gặp khó khăn dẫn đến quyết định phải bán mình. Ban lãnh đạo Toshiba, chính phủ Nhật và các cổ đông lớn nước ngoài bất đồng về tương lai doanh nghiệp này. Các nhà đầu tư muốn tối ưu hoá lợi nhuận, còn chính phủ Nhật lại ưu tiên giữ các mảng kinh doanh và công nghệ nhạy cảm khỏi tay nước ngoài.

Theo Toshiba, trước khi nhu cầu về chip nhớ và ổ cứng đi xuống, nhóm doanh nghiệp trên đã đề nghị mua với giá 5.500 yen mỗi cổ phiếu.

Tuy nhiên, JIP đã hạ giá mua nhiều lần do thị trường xấu đi, triển vọng doanh thu của Toshiba đi xuống. Họ cũng phải đối mặt với khó khăn trong việc thu xếp nguồn lực tài chính khi các nhà băng thận trọng hơn trong việc cấp vốn cho giao dịch lớn trong lúc kinh tế không thuận lợi.

Toshiba chấp nhận “bán mình” với giá 15,2 tỷ USD cho nhóm doanh nghiệp Nhật Bản - Ảnh 1

Kể từ năm 2015, Toshiba - tập đoàn sở hữu 40,6% cổ phần của nhà sản xuất chip nhớ Kioxia Holdings - đã bị vùi dập bởi các vụ bê bối kế toán và thua lỗ nặng nề, đồng thời suýt bị hủy niêm yết trước khi chìm trong một loạt vụ bê bối quản trị doanh nghiệp. Khởi đầu là từ vụ bê bối kế toán năm 2015.

Theo kết luận của một ủy ban điều tra độc lập khi đó, Toshiba đã phóng đại lợi nhuận lên thêm 151,8 tỷ yen (1,2 tỷ USD) trong 5 năm. Con số này gấp 3 lần dự tính ban đầu của hãng. Toshiba lỗ chủ yếu ở các mảng cốt lõi tại Trung Quốc, Hàn Quốc và phải chuyển sang tập trung vào cơ sở hạ tầng, điện hạt nhân. Sau khi điều chỉnh lại, Toshiba báo lỗ 37,8 tỷ yen năm 2014.

Đến đầu năm 2017, Toshiba liên tục trễ hạn công bố báo cáo tài chính do những rắc rối tại mảng điện hạt nhân ở Mỹ. Lãnh đạo hãng này cũng không nghiên cứu cẩn thận việc mua lại CB&I Stone & Webster – thương vụ được coi là giải pháp để chi nhánh Westinghouse (chi nhánh của Toshiba tại Mỹ) hoàn thành các dự án lò phản ứng bị trì hoãn tại Georgia và Nam Carolina khi đó. Các dự án này của họ sau đó đều bị vượt dự toán và chậm tiến độ.

Toshiba chấp nhận “bán mình” với giá 15,2 tỷ USD cho nhóm doanh nghiệp Nhật Bản - Ảnh 2

Việc đầu tư vào mảng năng lượng hạt nhân tại Mỹ khiến Toshiba lỗ 6,3 tỷ USD và mấp mé bờ vực bị huỷ niêm yết. Công ty buộc phải bán “viên ngọc quý” - đơn vị kinh doanh chip nhớ của mình - cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Tại một trong những thời điểm tồi tệ nhất, một cuộc điều tra do cổ đông ủy quyền kết luận Toshiba đã thông đồng với bộ thương mại Nhật Bản - cơ quan coi công nghệ hạt nhân và quốc phòng của công ty là tài sản chiến lược - để ngăn chặn các nhà đầu tư nước ngoài giành ảnh hưởng tại cuộc họp cổ đông năm 2020. Sự kiện cuối cùng đã dẫn đến việc xem xét lại chiến lược công ty và các đề xuất mua lại.

Toshiba đã bắt đầu quá trình đấu giá khoảng một năm trước, nhận được 8 đề xuất mua lại cũng như 2 đề nghị liên minh vốn. Các nguồn tin cho biết, bốn nhà thầu lọt vào vòng thứ hai, trong đó bao gồm các công ty cổ phần tư nhân Bain Capital, CVC Capital Partners và Brookfield Asset Management. JIP ban đầu hợp tác với Tập đoàn Đầu tư Nhật Bản (JIC) do nhà nước hậu thuẫn nhưng đã quyết định chia tay do bất đồng về việc có nên giữ lại ban quản lý hay không và kế hoạch tái cấu trúc.

JIP có trụ sở tại Tokyo, được thành lập vào năm 2002 bởi Hidemi Moue. Nhóm này nổi tiếng nhất với thương vụ thâu tóm nhà sản xuất máy tính Vaio từ Sony năm 2014. Cổ phiếu của Toshiba đã giảm 12% trong năm ngoái, thấp hơn mức giảm 2,2% của chỉ số Nikkei 225.

Tin Cùng Chuyên Mục