Một loạt các công ty, tập đoàn lớn tuyên bố chia tách
Trước áp lực từ phía cổ đông trong việc tái cơ cấu một cách tập trung hơn, công ty công nghệ Nhật Bản Toshiba mới đây công bố kế hoạch phân tách thành 3 công ty khác nhau, vận hành từng mảng kinh doanh riêng mà trước đó tập đoàn Toshiba vẫn khai thác.
Một trong 3 bộ phận được chia tách sẽ tập trung vào cơ sở hạ tầng, bộ phận thứ 2 sẽ chú trọng vào mảng cách thiết bị điện tử như chất bán dẫn điện. Trong khi đó, công ty thứ 3 vẫn giữ tên Toshiba, nắm giữ cổ phần trong hãng sản xuất chip Kioxia Holdings Corp và các tài sản khác.
Theo Toshiba, việc tái cơ cấu bộ máy tổ chức này nhằm mục đích tăng hiệu suất hoạt động kinh doanh cốt lõi, giúp cổ đông hiểu cũng như giám sát từng hoạt động dễ dàng hơn. Ba công ty sẽ hoạt động độc lập với nhau.
Không chỉ Toshiba, Johnson & Johnson hôm 12/11 thông báo sẽ tách làm hai, một phụ trách mảng sản phẩm tiêu dùng và một phụ trách thiết bị y tế, dược phẩm. Thông tin phân tách này được cho là tin tức chấn động với ngành chăm sóc sức khỏe.
Trước Johnson & Johnson, rất nhiều hãng dược phẩm lớn khác như Pfizer (PFE), Merck (MRK) và GlaxoSmithKline (GSK) đều đã chia tách trong vài năm qua hoặc đang có kế hoạch làm điều này.
So với các sản phẩm hàng tiêu dùng, giới đầu tư sẵn sàng trả giá cao hơn cho các doanh nghiệp ở mảng thiết bị y tế, công nghệ sinh học và dược phẩm tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, khi Toshiba và GE công bố kế hoạch chia nhỏ doanh nghiệp, các chuyên gia nhận thấy, rõ ràng sự chia tách không chỉ còn nằm ở lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Liz Young, Giám đốc chiến lược đầu tư tại SoFi chia sẻ với CNN: "Để tồn tại và bắt kịp xu hướng thị trường, các công ty cần phải xem xét đâu là mảng kinh doanh có lợi nhất, sau đó xác định lĩnh vực cần tập trung đầu tư nguồn lực và thời gian. Bởi lẽ, cạnh tranh trên thương trường rất khốc liệt, đôi khi bạn cần phải tháo dỡ một vài mảnh ghép và gây dựng lại từ đầu".
Chia nhỏ để tự chủ, dễ dàng tiếp cận thị trường và phát triển
Nhiều tập đoàn lớn trên khắp thế giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau đang tìm cách chia nhỏ doanh nghiệp và các mảng kinh doanh.
Gã khổng lồ công nghệ Dell gần đây đã tách mảng dịch vụ điện toán đám mây VMWare thành một công ty độc lập. Hay hãng bán lẻ L Brands đã chia đôi thành hai công ty Bath & Body Works và Victoria's Secret.
IBM cũng đã chia tách đơn vị dịch vụ công nghệ thông tin thành một công ty mới có tên Kyndryl. Nhờ vậy, Kyndryl có thể linh hoạt hơn trong việc liên doanh với các đối thủ trên thị trường điện toán đám mây của IBM. Đơn cử như mới đây, công ty đã thông báo về một thương vụ với Microsoft.
Theo Giám đốc tài chính David Wyshner của Kyndryl, việc tách thành cá thể độc lập giúp công ty có quyền tự do để tiếp cận thị trường. "Chúng tôi có thể tiếp tục phục vụ khách hàng của IBM, nhưng cũng có thể mở rộng quan hệ đối tác với các nhà cung cấp công nghệ khác", ông David cho biết.
Một trong những điểm mà hầu hết các công ty tách ra đều nhận thấy đó là quyền tự chủ lớn hơn trong việc hợp tác với doanh nghiệp khác - điều mà họ khó có thể làm khi vẫn nằm trong một tập đoàn lớn.
Việc tách riêng cũng là cách để giúp công ty "đảo ngược quyết định" của các nhà đầu tư. Hai đại gia viễn thông Verizon và AT&T là ví dụ điển hình.
Giá cổ phiếu của cả hai công ty này đều lao dốc trong vài năm qua, một phần do doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng chậm. Phần khác do hai hãng lo ngại sẽ đi quá xa khỏi mảng kinh doanh viễn thông cốt lõi khi liên tục thâu tóm các doanh nghiệp mảng khác.
Cụ thể, Verizon đã mua AOL và Yahoo, gộp hai thương hiệu này vào một công ty có tên Oath, sau đó đổi tên thành Verizon Media. Tuy nhiên, thương vụ này chưa bao giờ thực sự đem lại lợi nhuận nên Verizon đã bán mảng này cho Apollo năm 2020 với giá 5 tỷ USD và chỉ giữ 10% cổ phần.
Trong khi đó, AT&T lên kế hoạch tách riêng WarnerMedia và sáp nhập với Discovery (DISCA). Thương vụ dự kiến hoàn tất giữa năm 2022, hứa hẹn tạo ra một công ty mới có tên Warner Bros.Discovery.