Sau tuần giao dịch tăng điểm trước đó, thị trường mở cửa phiên thứ hai tuần này trong sắc đỏ và có hai phiên VN-Index tiếp tục kiểm định vùng 1.300 điểm, tuy nhiên việc kiểm định không thành công dẫn đến 2 phiên giảm điểm cuối tuần và chỉ số kết tuần 30/9-4/10 giảm -20,32 điểm (-1,57%) xuống mốc 1.270,60 điểm.
Trên HOSE, cổ phiếu NO1 dẫn đầu danh sách cổ phiếu tăng mạnh nhất với chuỗi tăng mạnh 4 phiên lên mức 9.200 đồng/cp, tương ứng mức tăng 15% chỉ sau 1 tuần.
Đà tăng của NO1 được kích hoạt sau khi ông Nguyễn Xuân Thanh mua vào hơn 1 triệu cổ phiếu vào ngày 1/10, nâng lượng cổ phiếu nắm giữ lên 1,7 triệu đơn vị, tương đương 7,42% vốn công ty. Sau thương vụ này, ông Thanh chính thức trở thành cổ đông lớn tại NO1.
Đại diện nhóm chứng khoán là ORS cũng có tuần giao dịch tích cực khi bứt phá 11%. Trong đó, cổ phiếu ORS có một trong những phiên sôi động nhất lịch sử với gần 19 triệu đơn vị khớp lệnh vào ngày 1/10.
Ngược chiều, TTF, SC5, PDR, DXG là những mã chịu áp lực chốt lời khi đồng loạt giảm trên 8% trong tuần này.
Trên HNX, cổ phiếu tăng đa phần là những mã nhỏ, tính thanh khoản thấp như PTD, MCO, VMS, HMR,.. Đáng chú ý là cổ phiếu PTD khi ghi nhận 4 phiên tăng liên tiếp gần nhất. Tuy nhiên, thanh khoản chỉ dừng lại ở mức thấp, với những phiên chỉ khớp vài trăm đến nghìn đơn vị.
Chiều giảm, cổ phiếu GKM, SPI, ARM chịu áp lực chốt lời trên 18-29% trong tuần qua.
Trên UPCOM, dẫn đầu là cổ phiếu VDG của Công ty cổ phần Vạn Đạt Group khi tiếp tục tăng kịch trần 4 phiên trong tuần, đẩy thị giá cổ phiếu lên 35.000 đồng. Tính chung cả tuần cổ phiếu này ghi nhận mức tăng gần 98%. Dù tăng mạnh, nhưng khối lượng giao dịch của mã này chỉ vỏn vẹn vài chục nghìn đơn vị.
Giải trình về việc cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp, công ty cho biết giá cổ phiếu VDG tăng nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty. Theo đó, giá cổ phiếu ảnh hưởng và chi phối trực tiếp bởi thị trường và tâm lý nhà đầu tư.
Xếp sau, cổ phiếu VNX, ATB, PLE cũng gây chú ý khi bật tăng 40% sau một tuần. Dù vậy, thanh khoản giao dịch của những cổ phiếu này khá ảm đạm khi nhiều phiên không có giao dịch.
Ngược lại, trong tuần qua nhiều mã trên UPCOM cũng ghi nhận mức giảm từ 20% - 35%. Đáng chú ý là UEM của CTCP Cơ điện Uông Bí- Vinacomin, khi ghi nhận phiên giảm mạnh 31%, thị giá trôi về 9.400 đồng/cp, thanh khoản chỉ đạt vài trăm đơn vị.