Ngày pháp luật

Tổng bí thư, Chủ tịch nước: Đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân

Theo Mỹ An/VnEconomy

Tổng bí thư, Chủ tịch nước đề nghị sắp tới nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân...

"Bây giờ kinh tế tư nhân đang phát triển rất tốt. Đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng, tôi đề nghị sắp tới nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân."

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói như vậy trong phát biểu khai mạc hội nghị Trung ương 10, sáng 16/5.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước: Đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân - Ảnh 1

 

Nhiều vấn đề lớn, vô cùng khó

Tại hội nghị này, Trung ương xem xét nhiều văn kiện trình Đại hội 13.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, các văn kiện trình ra Đại hội này là rất quan trọng, trong đó trung tâm là báo cáo chính trị. Chính vì thế, Trung ương đã quyết định thành lập các tiểu ban, chứ không phải chỉ có một tiểu ban, đó là Tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, Tiểu ban Điều lệ Đảng.

Tiểu ban Văn kiện có nhiệm vụ tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh. Tiểu ban Kinh tế - Xã hội thì vừa làm báo cáo kinh tế để phục vụ cho Báo cáo chính trị, đồng thời chủ yếu tập trung tổng kết thực hiện chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm qua và xây dựng chiến lược 10 năm tới.

"Như vậy, nói Đại hội 13 không phải chỉ cho đến năm 2026 (giai đoạn 2021 - 2026) mà phải có tầm nhìn chiến lược dài hơn, nhìn lại cả quá khứ và hướng tới tương lai. Bộ Chính trị đã cho định hướng mốc là đến năm 2026 là mốc kết thúc nhiệm kỳ Đại hội 13, đến năm 2030 là mốc 100 năm thành lập Đảng và đến năm 2045 là mốc 100 năm thành lập nước. Vậy chúng ta định hướng, hình dung ra nước ta vào năm 2030 sẽ là thế nào? Đến năm 2045, nước ta sẽ như thế nào? Đây là những vấn đề rất lớn, vô cùng khó", Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Vẫn theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, tất cả các địa phương phải theo cách này, không phải chỉ tập trung lo chuẩn bị nhân sự mà phải tập trung xây dựng văn kiện đại hội. Báo cáo trình ra Đại hội không giống như báo cáo thành tích hằng năm, mà cũng phải phân tích quá trình của địa phương, đơn vị mình hiện tại và sắp tới hình dung xem địa phương ta đến năm 2030 sẽ ra sao, đến năm 2045 sẽ là như thế nào. Đây là việc khó lắm, không dễ, cho nên phải nghiên cứu, chuẩn bị hết sức công phu.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước: Đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân - Ảnh 2

 Ảnh: TTXVN.

Kinh tế nhà nước vừa qua có nhiều thất thoát

Đại hội lần này, theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, so với lần trước có cái khác là không chỉ nhìn trước mắt mà còn nhìn lâu dài, có nhìn về quá khứ để tổng kết cả quá trình.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước nêu ví dụ: thời kỳ quá độ là thế nào? đổi mới chính trị và đổi mới kinh tế là thế nào? đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không? Đổi mới chính trị là đổi mới hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy, nhân lực, phương thức, lề lối làm việc… hiểu cho đúng những cái đó.

"Hay bây giờ nói kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa, vừa qua kinh tế thị trường phát triển như thế được chưa? Có bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa không? Có lệch về phía nào không? Các thành phần kinh tế, các chế độ sở hữu như thế nào? Bây giờ chế độ sở hữu của ta như thế nào? Công hữu, tư hữu, hỗn hợp… Các thành phần kinh tế thì có nhà nước, tập thể, tư nhân, sở hữu hỗn hợp, có đầu tư nước ngoài. Chúng ta cứ thu hút đầu tư nước ngoài vào thật nhiều, ký kết thật nhiều thì rất hoan nghênh, nhưng đầu tư vào đây thì ta sẽ quản lý thế nào? Có phụ thuộc vào người ta không? Có giữ được độc lập tự chủ không? Trong khi đó, yêu cầu là hội nhập kinh tế nhưng phải độc lập tự chủ", người lãnh đạo cao nhất của Đảng nêu hàng loạt vấn đề lớn.

Về kinh tế tư nhân, Tổng bí thư, Chủ tịch nước đề nghị sắp tới nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân. Nhưng đồng thời anh nào có sai thì yêu cầu họ sửa. Nhà nước cũng thế, không phải nhà nước tất cả cái gì đều tốt.

"Kinh tế nhà nước có mặt tốt, nhưng vừa qua có rất nhiều thất thoát. Nhưng từ chỗ thất thoát như thế mà dẫn đến coi nhẹ kinh tế nhà nước, chuyển tất cả sang tư nhân thì có đúng không?... Tôi nói ví dụ những vấn đề như vậy có cần bàn không? Lần này tôi nói mang tầm chiến lược là như thế", Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói.

Trung ương phải thực sự cầu thị

Nhấn mạnh những vấn đề trên là vô cùng quan trọng, rất khó và phức tạp, Tổng bí thư, Chủ tịch nước cho biết tại cuộc họp của Tiểu ban Văn kiện, Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã khái quát 8 vấn đề khó và phức tạp nhất sắp tới phải tập trung, không phải chỉ Trung ương mà tất cả các địa phương.

Vừa rồi Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng đã nhắc các đoàn đi khảo sát các nơi, không phải xuống nghe các báo cáo chung chung, phải đi khảo sát, trao đổi những vấn đề tôi vừa nêu trên đây.

Ví dụ, Tp.HCM, 10 năm nữa, 15 năm nữa sẽ là thế nào? Có hình dung được hết không? Hà Nội sẽ là thế nào? Cứ nói thành phố thông minh, thành phố xanh, vậy nội hàm cụ thể là gì, hoặc nước ta đến năm 2030 sẽ là nước công nghiệp phát triển hay là một nước phát triển, hay là một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nội hàm của nó là gì? Từ năm 2001, chúng ta đã xác định đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, giờ đã trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa?

"Khó lắm các đồng chí ạ, phải hiểu biết rất sâu sắc cả lý luận và thực tiễn, cả trong nước và quốc tế. Đấy, văn kiện là thế đấy, không phải cốt có báo cáo", Tổng bí thư, Chủ tịch nước lưu ý.

Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, tại Đại hội, nhân sự là rất quan trọng và rất khó rồi, nhưng vấn đề nội dung càng quan trọng hơn, để sau này khi Đại hội công bố ra, nhân dân thấy phấn khởi, tin tưởng vào đường lối của Đảng.

"Lần này, đối với Trung ương, tôi đề nghị cũng nên đổi mới, phải thực sự cầu thị, đổi mới cách làm. Khi họp với các đồng chí lão thành, tôi đã nói: Mời các đồng chí lão thành có kinh nghiệm, các đồng chí lãnh đạo dù tuổi cao nhưng còn trí tuệ, tận dụng tối đa trí tuệ của các đồng chí, các tầng lớp trí thức, nhà khoa học trong và ngoài nước. Hôm vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị lắng nghe ý kiến góp ý của một số chuyên gia, nhà khoa học. Cách làm đó rất tốt, nên làm nhiều hơn nữa, chia làm nhiều chủ đề, nhiều chuyên đề, nhiều đối tượng nghe, cọ xát, thảo luận, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói.

Tin Cùng Chuyên Mục