“Tommy Hilfiger rất quan trọng với những đứa trẻ lớn lên ở Chicago, tôi thường đến trung tâm mua sắm và lấy trộm quần áo của anh ấy. Tôi sẵn sàng mạo hiểm mọi thứ để có một chiếc quần của hãng!”, nhà tạo mẫu nổi tiếng Law Roach giới thiệu về Tommy Hilfiger tại Lễ trao giải Thời trang Anh quốc.
Roach không phải là thiếu niên Mỹ duy nhất hâm mộ Hilfiger cuồng nhiệt. Nhà thiết kế thời trang quá cố Virgil Abloh - người sáng lập thương hiệu Off-White chia sẻ anh luôn mặc quần áo hãng Tommy Hilfiger trong suốt thời trung học. Hilfiger được truyền thông gọi là "ông vua tỷ đô của giới thời trang", và là người mở ra nhiều xu hướng thời trang toàn cầu.
"Chúng tôi là những người đầu tiên làm thời trang đường phố. Chúng tôi đã theo đuổi phong cách này từ những năm 80, trước cả các hãng khác... Khi chúng tôi sáng tạo ra các mẫu logo dạng lớn, không ai nghĩ được như thế cả. Ngay cả logo Ralph Lauren lúc đó cũng chỉ có một con ngựa nhỏ”, vị tỷ phú 70 tuổi tự tin nói.
Đế chế được gây dựng bởi chàng trai 18 tuổi với 150 USD
Tommy Hilfiger lớn lên ở New York, trong một gia đình đông con và không có ai có chuyên môn hay quan tâm đặc biệt về thời trang. Bản thân ông cũng không được đào tạo bài bản về thiết kế, nhưng Hilfiger vẫn quyết tâm khởi nghiệp trong ngành này khi mở một cửa hàng có tên là People’s Place, khi mới 18 tuổi với số vốn đầu tư ban đầu 150 USD.
Cửa hàng ban đầu bán các loại quần áo kiểu rock'n'roll sành điệu và thành công rực rỡ. Thế nhưng 7 năm sau, vào năm 1977, People's Place bất ngờ đệ đơn phá sản.
Không bỏ cuộc, Hilfiger quyết tâm tìm hiểu chuyên sâu về thời trang. Đến năm 1985, nhờ sự giúp đỡ từ ông trùm thời trang Mohan Murjani, Hilfiger cho ra đời nhãn hiệu thời trang mang tên mình.
Kinh nghiệm về hậu cần và kinh doanh trước đó đã giúp thương hiệu Tommy Hilfiger bay cao. Chỉ trong 3 năm, hãng đạt doanh thu 25 triệu USD và đến giữa năm 90 đã đạt 500 triệu USD. Năm 1992, Tommy Hilfiger trở thành doanh nghiệp thời trang đầu tiên có mặt trên Sàn giao dịch Chứng khoán New York
Đến cuối thập kỷ 90, Tommy Hilfiger mở rộng quy mô hoạt động. Không chỉ bán quần áo nam giới, hãng còn bán nhiều sản phẩm đời sống thường ngày và trở thành một cái tên quen thuộc trên toàn cầu, sở hữu doanh thu hàng năm lên tới 1 tỷ USD.
Hilfiger bán Tommy Hilfiger Corporation với giá 1,6 tỷ USD vào năm 2006. Khi đó, hãng có 14 dòng sản phẩm, bao gồm nam, nữ, trẻ em, phụ kiện, nước hoa, giày dép, kính mắt và đồ nội thất gia đình. Bốn năm sau, ông chủ Calvin Klein - Phillips-Van Heusen, chi 3 tỷ USD để mua lại tập đoàn. Hilfiger vẫn giữ vai trò là nhà thiết kế chính tại thương hiệu và tham gia điều hành 1.600 cửa hàng bán lẻ trên khắp 5 châu lục.
Tầm nhìn đi trước thời đại
"Chúng tôi từng là một thương hiệu bình dân trong hơn 35 năm. Thành công của chúng tôi là sự kết hợp giữa may mắn, làm việc chăm chỉ và tuân thủ kế hoạch", nhà thiết kế khiêm tốn chia sẻ.
Thực tế chứng minh câu chuyện thành công của tỷ phú Hilfiger rất ít liên quan đến may mắn. Ông sở hữu gu thẩm mỹ phù hợp với thời trang đại chúng nhưng lại khéo léo định vị thương hiệu như một nhãn hàng sang trọng với giá cả phải chăng. Điều này giúp quần áo thương hiệu Tommy Hilfiger dễ dàng bán được số lượng lớn trong khi vẫn giữ được vị trí vững chắc trong thế giới thời trang xa xỉ.
Mặc dù vậy, điều quan trọng nhất làm nên thành công của Tommy Hilfiger là cách ông tiên phong hợp tác với người nổi tiếng vào thời điểm mà các tạp chí thời trang chỉ ưu tiên mời người mẫu lên trang bìa.
“Tôi bị ám ảnh bởi âm nhạc và các nhạc sĩ. Đến bây giờ tôi vẫn vậy và tôi muốn thương hiệu của mình được kết nối với thế giới âm nhạc. Đó là những gì chúng tôi đã làm”, Hilfiger chia sẻ.
Vào cuối thập niên 1987, quần áo hiệu Hilfiger được ưa chuộng bởi những bạn trẻ yêu hip-hop. Các nghệ sĩ như Mary J Blige, Snoop Dogg và Run DMC cũng từng rap về trang phục hiệu Hilfiger.
Trong những năm gần đây, ngoài âm nhạc, Hilfiger chủ động hợp tác với người nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực hơn. Chẳng hạn như người mẫu Gigi Hadid, tay đua Lewis Hamilton, diễn viên Zendaya, Indya Moore,...
Một trang phục trong metaverse do Hilfiger thiết kế. Ảnh: Tommy Hilfiger.
“Tôi rất thích khi được sáng tạo hình ảnh và kiểm soát độ nhận diện thương hiệu, với tôi đó là cách công ty hoạt động. Những người chúng tôi hợp tác là một phần trong cơ chế đó, dù họ là người mẫu, người nổi tiếng hay đơn thuần là những người giúp cho thương hiệu trở nên đẹp mắt", nhà thiết kế chia sẻ.
Là một người có tầm nhìn đi trước thời đại, Hilfiger đã sớm nhận thấy tiềm năng của metaverse. Thời gian gần đây, ông ít dành thời gian cho các sự kiện IRL (thế giới thực) mà tập trung vào metaverse.
Hilfiger đã thiết kế quần áo, nhân vật cho các trò chơi điện tử thịnh hành như Animal Crossing, Minecraft.
“Chúng tôi tin rằng thế giới thực và thế giới ảo đang kết hợp với nhau. Tôi luôn tìm kiếm những điều mới mẻ", Hilfiger úp mở về khả năng hợp tác với tựa game nổi tiếng Fortinte.