Ngày pháp luật

TMT Motors (TMT): Gánh nặng nợ vay gấp 5,6 lần vốn chủ, cổ phiếu lao dốc sau giai đoạn 'thăng hoa'

Khánh Ly

Sau giai đoạn "thăng hoa" ngắn ngủi nhờ câu chuyện chuyển đổi sang xe điện, cổ phiếu TMT của CTCP Ô tô TMT (TMT Motors, mã chứng khoán: TMT) đang đối mặt với tình hình tài chính kém khả quan với khoản lỗ kỷ lục và gánh nặng nợ vay khổng lồ.

Cổ phiếu "quay xe" sau cơn sốt

Đầu năm 2025, thị trường chứng khoán chứng kiến đợt tăng giá "phi mã" của cổ phiếu TMT. Chỉ trong vòng 2 tháng (từ 24/12/2024 - 24/2/2025), thị giá TMT đã bứt phá ngoạn mục 144%, từ mức 7.030 đồng/cp leo lên 17.150 đồng/cp. Đà tăng này được "tiếp lửa" bởi thông tin TMT Motors đẩy mạnh hợp tác với liên doanh SAIC-GM-Wuling (SGMW) của Trung Quốc để đưa thêm nhiều mẫu xe điện mới về Việt Nam, bên cạnh mẫu Wuling HongGuang Mini EV đã ra mắt từ tháng 9/2023.

Việc đặt cược vào xu hướng xe điện, trong bối cảnh Việt Nam hướng tới Net Zero vào năm 2050, đã tạo ra một câu chuyện đầy kỳ vọng cho TMT. Tuy nhiên, "niềm vui ngắn chẳng tày gang", ngay sau khi TMT Motors công bố BCTC kiểm toán năm 2024 với khoản lỗ kỷ lục, làn sóng bán tháo đã ập đến.

Thống kê từ ngày 24/2 đến 4/4/2025, cổ phiếu TMT đã "bốc hơi" 30,9% giá trị, rơi từ đỉnh 17.150 đồng/cp xuống còn 11.850 đồng/cp. Đà giảm mạnh từ đỉnh cho thấy cổ phiếu này đã phát đi tín hiệu bước vào chu kỳ giá xuống, trong khi các chỉ báo kỹ thuật vẫn chưa le lói hy vọng tạo đáy.

Kết quả kinh doanh kém khả quan

Nguyên nhân sâu xa đằng sau sự quay đầu của cổ phiếu TMT nằm ở chính sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Năm 2024, TMT Motors ghi nhận khoản lỗ sau thuế lên tới 325 tỷ đồng – mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động. Công ty lý giải nguyên nhân là do chiến lược "hy sinh lợi nhuận" để giải phóng hàng tồn kho tích tụ từ nhiều năm (giảm từ 1.400 tỷ về 489 tỷ đồng), chấp nhận bán dưới giá vốn để chuẩn bị cho chu kỳ kinh doanh mới.

Tuy nhiên, động thái này đã bào mòn nghiêm trọng nguồn vốn. Tính đến cuối năm 2024, lỗ lũy kế của TMT Motors đã lên tới gần 270 tỷ đồng, tương đương 72,4% vốn điều lệ (372,7 tỷ đồng). 

Trước đó, BCTC soát xét bán niên 2024 đã bị đơn vị kiểm toán đưa ra ý kiến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục, khi công ty dùng tới 120,7 tỷ đồng vốn ngắn hạn để tài trợ cho tài sản dài hạn. Dù tình hình có cải thiện vào cuối năm (chỉ còn dùng 10,4 tỷ đồng vốn dài hạn tài trợ tài sản dài hạn), nhưng bức tranh tổng thể vẫn còn nhiều gam màu tối.

Đáng báo động nhất là cơ cấu nợ vay. Tại ngày 31/12/2024, tổng dư nợ vay tài chính của TMT Motors lên đến 630 tỷ đồng (bao gồm 442,9 tỷ ngắn hạn và 187,1 tỷ dài hạn). Các chủ nợ lớn bao gồm BIDV (234,8 tỷ), VPBank (174,57 tỷ) và các khoản vay cá nhân (182,9 tỷ).

Điều này đẩy tỷ lệ Nợ vay/Vốn chủ sở hữu (D/E) của TMT Motors lên mức... 560,5% (tức nợ vay gấp 5,6 lần vốn chủ). Con số này không chỉ cao đột biến mà còn vượt xa mức trung bình ngành (116%) và bỏ xa các doanh nghiệp cùng ngành như Haxaco (HAX - 45%) hay Savico (SVC - 174%). Mức đòn bẩy tài chính quá cao tiềm ẩn rủi ro cực lớn cho hoạt động kinh doanh và khả năng trả nợ của công ty.

Tham vọng xe điện liệu có "cứu cánh"?

Dù ban lãnh đạo TMT Motors, đại diện là Phó TGĐ Bùi Quốc Công, khẳng định việc tái cấu trúc và chấp nhận lỗ là bước đi cần thiết để "chuẩn bị cho chu kỳ sản xuất - kinh doanh mới từ Quý I/2025", nhưng con đường phía trước vẫn đầy chông gai.

Mảng xe điện, vốn được kỳ vọng là động lực tăng trưởng mới, lại chưa cho thấy tín hiệu khả quan. Kể từ khi ra mắt, doanh số Wuling HongGuang Mini EV không đạt như kỳ vọng ban đầu (5.000 xe/năm) và công ty đã phải liên tục điều chỉnh mục tiêu. Việc mở rộng dải sản phẩm với các mẫu xe điện sạc tại nhà (dùng điện 220V) trong 5 năm tới là một kế hoạch tham vọng, nhưng đòi hỏi nguồn vốn đầu tư khổng lồ, đặc biệt cho hệ thống phân phối, marketing và dịch vụ hậu mãi – điều mà TMT đang rất thiếu thốn.

Tin Cùng Chuyên Mục