Ngày pháp luật

Tín hiệu lạc quan để CPTPP chính thức có hiệu lực trong năm nay

Theo Hải Anh/Lao Động

Thông báo chính thức về phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP hay TPP-11) của Canada hoàn tất hôm 27.10. Australia dự kiến phê chuẩn hiệp định trong tuần này.

Tín hiệu lạc quan để CPTPP chính thức có hiệu lực trong năm nay - Ảnh 1
Bộ trưởng Đa dạng hóa thương mại quốc tế của Canada Jim Carr đã gặp ông Daniel Mellsop - Cao ủy New Zealand tại Canada để thông báo việc Canada chính thức phê chuẩn CPTPP. Ảnh: CBC.

Thỏa thuận thương mại giữa 11 quốc gia khu vực Thái Bình Dương trên đà có hiệu lực trước cuối năm 2018, sau thông báo phê chuẩn của Canada hôm 27.10 và thông tin Australia có động thái tương tự trong tuần này.

CPTPP là phiên bản sửa đổi của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được 11 nước thành viên ký tháng 3.2018 sau khi Mỹ rút. Hiệp định có hiệu lực sau 60 ngày kể từ khi ít nhất 6 trong số 11 nước ký kết phê chuẩn. Trong số 6 nước này cần có New Zealand - quốc gia đóng vai trò bảo lãnh giám sát việc thực thi.

Hôm 29.10, Bộ trưởng Đa dạng hóa thương mại quốc tế của Canada Jim Carr đã gặp ông Daniel Mellsop - Cao ủy New Zealand tại Canada để thông báo việc Canada chính thức phê chuẩn CPTPP, theo CBC và tuyên bố, mặt pháp lý đã được đẩy “nhanh hơn bất kỳ đạo luật nào trong bất kỳ thời điểm nào bởi tầm quan trọng của việc Canada trở thành một phần của hiệp định này”.

Các thượng nghị sĩ Canada bỏ phiếu trong ngày 25.10 để phê chuẩn pháp lý việc thực hiện của Canada, dọn đường cho sự phê chuẩn của hoàng gia và kết thúc bằng quá trình phê chuẩn của nước này với động thái của nội các liên bang. Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Singapore đã phê chuẩn CPTPP trước Canada. Sự chú ý hiện dồn về Australia - dự kiến là quốc gia thứ 6 phê chuẩn hiệp định. Theo Bloomberg, tuần trước, Bộ trưởng Thương mại Simon Birmingham tiết lộ, Australia dự kiến ra thông báo chính thức ngày 11.11.

Đây được đánh giá là động lực khuyến khích kinh tế khi sắp có 6 quốc gia phê chuẩn vào thời điểm này. CPTPP hiện đang đi đúng lộ trình để có hiệu lực trước cuối năm 2018, nghĩa là đợt giảm thuế đầu tiên sẽ được thực hiện từ 31.12.2018.

Việc cắt giảm thuế theo CPTPP có hiệu lực ngay, nhưng một số, đặc biệt là các mặt hàng nhạy cảm như nông sản và ôtô - dự kiến có lộ trình lên tới cả thập kỷ.

Theo biểu thuế quan của CPTPP, việc cắt giảm cho các năm tiếp theo sẽ bắt đầu từ 1.1. Do đó, đợt cắt giảm thuế quan thứ hai có thể tiến hành gần như ngay lập tức sau đợt đầu tiên - vào ngày 1.1.2019. Nếu không có 6 quốc gia đối tác phê chuẩn CPTPP trong tuần này, đợt giảm thuế thứ hai sẽ phải chờ đợi thêm 1 năm, đến ngày 1.1.2020.

CBC nhận định, thật khó để đánh giá chính xác tác động kinh tế của CPTPP với nền kinh tế Canada. Nước này được hưởng ưu đãi thương mại với một số quốc gia thành viên nhờ các hiệp định thương mại hiện hành. Ví dụ, Canada có thỏa thuận thương mại song phương với Chile hoặc cùng với Mexico là thành viên trong khối NAFTA.

Theo tính toán của Chính phủ Canada gần đây, khi hiệp định được thực thi đầy đủ (cắt giảm tất cả các loại thuế), các nhà xuất khẩu Canada có thể tiết kiệm tới 428 triệu USD mỗi năm. Trong đó, tiền giữ lại từ xuất khẩu sang Nhật Bản là 338 triệu USD, Australia là 47 triệu USD và Việt Nam là 25 triệu USD. Bởi Canada không đàm phán được hiệp định thương mại song phương với Nhật Bản nên việc tiếp cận thị trường này được xem là lý do lớn nhất để Canada gia nhập CPTPP. Dự kiến, trong vòng 15 năm tới, khi tất cả thuế được cắt giảm, một số mặt hàng xuất khẩu của Canada sang Nhật Bản được kỳ vọng hưởng lợi từ các khoản chi phí được cắt giảm như xuất khẩu thịt lợn (51 triệu USD); thịt bò (21 triệu USD)…

Năm quốc gia tham gia ký kết CPTPP có khả năng sẽ không kịp phê chuẩn cho việc triển khai đợt đầu của thỏa thuận là Brunei, Chile, Malaysia, Peru và Việt Nam. Việt Nam thông báo dự kiến phê chuẩn CPTPP vào tháng 11 tới.

Tin Cùng Chuyên Mục