Báo cáo tài chính quý I/2023 của Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn (mã ck: BCC) ghi nhận doanh thu giảm 28% so với cùng kỳ, đạt 847,9 tỷ đồng.
Trong đó, doanh thu từ xi măng và clinker hầu như chiếm gần 100%, phần nhỏ còn lại đến từ doanh thu khác.
Trong kỳ, giá vốn bán hàng giảm 20%, lùi về mốc 811,9 tỷ đồng. Lãi gộp giảm sâu 79%, ghi nhận ở 35,9 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính hầu như không biến động nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi, chi phí tài chính tăng 44% lên hơn 12 tỷ đồng; chi phí bán hàng giảm 4% so với cùng kỳ còn 42 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp còn 27 tỷ đồng (giảm 23%).
Doanh thu không thể bù được chi phí, kết quả là, lợi nhuận sau thuế của BCC ghi nhận khoản âm 48,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 68,6 tỷ đồng.
Theo giải trình của BCC, mức giảm doanh thu bán hàng, thu nhập khác và mức tăng chi phí tài chính lơn hơn mức giảm giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp. Do đó, lợi nhuận của BCC trong 3 tháng đầu năm sụt giảm mạnh, chuyển từ lãi sang lỗ.
Năm 2023, BCC đưa ra mục tiêu kinh doanh có phần thận trọng với 4.632 tỷ đồng doanh thu và 40 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Với kết quả đạt được, BCC mới chỉ thực hiện được 18% mục tiêu doanh thu và còn ở rất xa đích lợi nhuận.
Tính đến ngày 31/3/2023, tổng tài sản của BCC đạt 4.115,9 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với đầu năm. Trong đó, khoản tiền mặt và khoản tương đương tiền giảm 22% về 33,1 tỷ đồng.
Hàng tồn kho đạt 418 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ. Phần lớn hàng tồn kho là nguyên liệu vật liệu 228,3 tỷ đồng, chiếm 55%; chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang là 185 tỷ đồng (chiếm 44%); còn lại từ thành phẩm 30,6 tỷ đồng và công cụ, dụng cụ 2,8 tỷ đồng.
Đáng chú ý, chi phí xây dựng cơ bản dở dang ghi nhận gần 87 tỷ đồng, tăng gần 5 lần so với đầu năm. Trong đó, dự án kho nguyên liệu 69 tỷ đồng (chiếm 79%); dự án trung tâm nhà điều hành Vicem hơn 10 tỷ đồng, chiếm 12%; còn lại từ xây dựng dự án CRC 5,6 tỷ đồng và xây dựng cơ bản dở dang khác là 2 tỷ đồng.
Các khoản phải thu ngắn hạn đạt 353,9 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần thời điểm đầu năm, phần lớn là phải thu từ khách hàng.
Về phía nguồn vốn, nợ phải trả chiếm đến 49,2%, tương đương hơn 2.042 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn (chiếm đến 96,6%). Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 562 tỷ đồng, chiếm 29%. Còn khoản nợ dài hạn là gần 68 tỷ đồng, giảm 13% so với đầu năm.
Vốn chủ sở hữu tính đến cuối quý I/2023 là 2.073 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 87,6 tỷ đồng.
Năm 2023, thị trường xi măng Việt Nam được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn do nhu cầu phục hồi chậm sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của Covid-19; các công trình, dự án cũng bị đình trệ triển khai, thậm chí phải giãn, hoãn tiến độ khi gặp khó khăn về nguồn vốn.
Cùng đó, thị trường bất động sản dự báo tiếp tục trầm lắng và tăng trưởng âm, thị trường xi măng tiếp tục mất cân đối, nguồn cung vượt cao so với nhu cầu.