Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP. Theo đó, dự thảo quy định cho phép ngân hàng có thể phong tỏa tài khoản người nhận trong trường hợp người chuyển nhầm.
Ngân hàng Nhà nước cũng bổ sung thêm một số quy định tại Nghị định 101 về vấn đề phong tỏa tài khoản thanh toán trong các trường hợp như: tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện và có bằng chứng về việc tài khoản thanh toán gian lận, vi phạm pháp luật; hoặc trường hợp khách hàng chuyển tiền có nhầm lẫn, sai sót về số hiệu tài khoản, số tiền... nhằm bảo vệ và giúp khách hàng lấy lại được tài sản đã chuyển nhầm cho người khác.
Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán của người nhận không vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót.
Quy định mới này nếu được thông qua, theo các chuyên gia, sẽ hỗ trợ nhiều khách hàng chuyển tiền nhầm có khả năng lấy lại được tiền. Ngân hàng sẽ có quyền nhiều hơn khi được phép phong tỏa tài khoản người nhận nhầm bất chấp chủ tài khoản này có đồng ý hay không.
Thực tế, đã có không ít tài khoản bị chuyển tiền nhầm, thậm chí có người chuyển tiền lên đến 5 tỉ đồng. Nhưng không phải ai cũng may mắn đòi lại được.
Tuy nhiên, dự thảo của Ngân hàng Nhà nước cũng nêu rõ: Việc phong tỏa tài khoản thanh toán nếu trái pháp luật gây thiệt hại cho chủ tài khoản, bên ra lệnh phong tỏa tài khoản phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.
Chị Thu Hiền, nhân viên văn phòng, cho biết: Cách đây vài năm, tài khoản thẻ tại một ngân hàng của chị bất ngờ nhận được khoản tiền "từ trên trời" rơi xuống 1 triệu đồng, do nhân viên ngân hàng gõ nhầm số tài khoản người nhận nào đó sang số tài khoản của tôi.
Điều đáng nói là thẻ ATM này của chị đã bị mất từ rất lâu và cũng không còn số dư trong tài khoản nên cũng không ra ngân hàng báo hủy. Chỉ vì để chuyển lại số tiền 1 triệu đồng đó mà chị phải gác lại việc cá nhân, dành cả buổi sáng để xử lý sự việc mà lỗi không phải gây ra từ bản thân mình.
"Việc cơ quan chủ quản đưa ra những quy định nhằm bảo vệ người gửi tiền trong những trường hợp chuyển nhầm là điều cần thiết. Nhưng cũng nên có quy định về chính sách ưu tiên với những trường hợp khách hàng chủ động, thiện chí trả tiền lại cho ngân hàng, cho người chuyển tiền thì mới công bằng cho các bên liên quan" - chị Hiền nêu quan điểm.