Tại Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố nhằm triển khai và giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, ông Đào Ngọc Dung yêu cầu cần minh bạch, song phải làm nhanh khẩn trương, không để chính sách đưa ra rồi lòng vòng mãi.
Đây là một trong những chính sách trong nghị quyết ngày 10/4 của Chính phủ. Theo đó, khoảng 20 triệu người yếu thế bị ảnh hưởng bởi Covid-19 sẽ được nhận hỗ trợ của gói 62.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng được vay để trả lương cho người lao động.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trường hợp cho vay để trả lương, đối với doanh nghiệp do khó khăn, không có khả năng chi trả, ngân hàng chính sách với gói hỗ trợ sẽ cho vay không thế chấp, với mức vay là 50% tiền lương tối thiểu chung của vùng. Một người lao động ngừng việc 1 tháng, mức vay tối đa là 3 tháng và thời gian để trả nợ là 12 tháng và mức lãi suất 0%.
Bộ trưởng cũng nêu rõ, trường hợp này, chỉ cho vay để trả lương cho người lao động bị ngừng việc. Điều kiện để vay có điểm lưu ý là doanh nghiệp phải trả trước 1/2 mức lương tối thiểu vùng cho người lao động rồi, và phần cho vay sẽ chi nốt 1/2 mức lương tối thiểu vùng.
"Tất cả các mức hỗ trợ đều chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của người lao động, chứ không chuyển về doanh nghiệp. Doanh nghiệp lập danh sách và thông tin đầy đủ của người lao động, ngân hàng chính sách sẽ giải ngân trực tiếp vào tài khoản của người lao động để tránh nguồn tiền bị dùng sai mục đích", Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội nhấn mạnh.
Các hộ kinh doanh ngừng kinh doanh theo yêu cầu của các cấp có thẩm quyền theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng thì trong thời gian ngừng kinh doanh sẽ hỗ trợ mức 1 triệu đồng/tháng. Bộ trưởng nêu rõ, chính sách này chỉ hỗ trợ cho các hộ kinh doanh có kê khai thuế về doanh thu, và mức doanh thu dưới 100 triệu đồng/tháng. Thời gian hỗ trợ theo thực tế, có thể làm tròn, trên 15 ngày có thể làm tròn thành 1 tháng.