Ngày pháp luật

Tiềm lực của doanh nghiệp đầu tư khu công nghiệp hơn 1.800 tỷ ở Bắc Giang?

Chu Du

Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Phúc Sơn tại xã Phúc Sơn và xã Lam Cốt, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang có quy mô gần 124ha đất, tổng vốn đầu tư 1.836 tỷ đồng.

Phối cảnh Khu công nghiệp Phúc Sơn.
Phối cảnh Khu công nghiệp Phúc Sơn.

Dự án khu công mới tại Bắc Giang

Ngày 23/02/2024, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 193/QĐ-TTg chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Phúc Sơn, tỉnh Bắc Giang.

Dự án được thực hiện tại xã Phúc Sơn và xã Lam Cốt, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang với quy mô 123,94ha đất, có tổng vốn đầu tư 1.836 tỷ đồng. CTCP Le Delta là nhà đầu tư dự án.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về những nội dung được giao thẩm định chủ trương đầu tư dự án và thực hiện quản lý nhà nước về khu công nghiệp theo quy định Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.

Các Bộ, ngành có liên quan chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định chủ trương đầu tư dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan. UBND tỉnh Bắc Giang chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm về sự phù hợp của dự án với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tiếp thu ý kiến của các Bộ.

UBND tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang và các cơ quan có liên quan rà soát, đảm bảo khu vực thực hiện dự án phù hợp với yêu cầu bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa và các điều kiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nhà đầu tư thực hiện theo quy hoạch xây dựng khu công nghiệp Phúc Sơn đã được phê duyệt, điều chỉnh; đảm bảo cơ cấu sử dụng đất và khoảng cách an toàn về môi trường của khu công nghiệp đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan; đảm bảo vị trí, quy mô diện tích thực hiện dự án phù hợp với chủ trương đầu tư dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Phía nhà đầu tư, CTCP Le Delta phải đảm bảo góp đủ vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án theo đúng tiến độ đã cam kết; đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 02/2022/NĐ-CP khi thực hiện hoạt động kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.

Người đứng đầu CTCP Le Delta hiện diện ở nhiều doanh nghiệp

CTCP Le Delta thành lập ngày 31/10/2005, trụ sở chính tại số A6 lô A, dự án nhà ở cho cán bộ cao cấp và cán bộ của Ban Đảng Trung ương, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. Ngành nghề kinh doanh chính trước đây của Le Delta là gia công phần mềm, thiết lập trang thông tin điện tử (trừ hoạt động báo chí); sau đó được chuyển thành bán buôn máy móc, thiết bị y tế.

Công ty do ông Ngô Văn Hùng giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc và đại diện pháp luật. Theo giấy đăng ký thay đổi doanh nghiệp ngày 16/03/2018, Le Delta có vốn điều lệ 150 tỷ đồng gồm 3 cổ đông sáng lập: ông Hùng nắm 98% vốn, 2% còn lại được chia đều cho ông Nguyễn Ngọc Quân (anh rể ông Hùng) và bà Nguyễn Thị Hường.

Sau nhiều lần tăng vốn, cập nhật gần nhất vào tháng 11/2021, công ty có vốn 2,500 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được công bố.

Trong lĩnh vực y tế, Le Delta được biết đến là là nhà cung cấp sản phẩm cho các nhà thầu thiết bị y tế. Tháng 10/2021, doanh nghiệp này đã trúng thầu gói thầu Cung cấp dịch vụ bảo trì toàn phần Hệ thống máy chụp cộng hưởng từ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, với vai trò liên danh phụ của liên danh nhà thầu Đại Phát – Le Delta.

Các đối tác khác của Le Delta trong lĩnh vực y tế gồm nhiều nhà thầu có uy tín như Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thanh Phương, Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế Việt, Công ty Cổ phần Trang Thiết bị và Công trình Y tế,…

Theo tìm hiểu, ông Hùng Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc của công ty có trình độ chuyên môn là Tiến sĩ kinh tế. Ngoài vai trò Chủ tịch Le Delta, ông Hùng còn đang là Chủ tịch HĐQT CTCP Cà phê Ea Pốk (UPCoM: EPC) và nắm 43.45% vốn EPC tính đến cuối năm 2022; Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc CTCP Môi trường và Dịch vụ Đô Thị Vĩnh Yên (MVY) và sở hữu 57.12% vốn MVY tính đến cuối năm 2021.

Công ty CP Môi trường và Dịch vụ Đô thị Vĩnh Yên (VinhYen EUS) vừa được Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Tam Đảo lựa chọn thực hiện Gói thầu Dịch vụ công ích các tuyến đường trên địa bàn huyện, thuộc Dịch vụ công ích trên các tuyến đường QL2B mới, QL2B cũ, ĐT.302, các tuyến đường nội thị thị trấn Hợp Châu, Khu công viên cây xanh trung tâm huyện và Khu trung tâm các xã Minh Quang, Tam Quan, Đạo Trù, Bồ Lý, Yên Dương, thị trấn Đại Đình năm 2024. Giá trúng thầu khoảng 7 tỷ đồng, thực hiện theo hợp đồng trọn gói với thời gian thực hiện 12 tháng.

Ngoài CTCP Môi trường và Dịch vụ Đô thị Vĩnh Yên, vị doanh nhân sinh năm 1981 này còn là người đại diện theo pháp luật của một tập đoàn công nghệ tên tuổi, chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Le Delta, Chủ tịch HĐQT CTCP Cà phê EA Pốk.

Ngày 26/12 vừa qua, Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu xây lắp + thiết bị của Dự án Đường vành đai phía Nam TP. Vĩnh Yên, đoạn từ sân golf Đầm Vạc đến đường Yên Lạc - Vĩnh Yên (giai đoạn 2). Dự án có tổng mức đầu tư 270.283 tỷ đồng. Theo đó, Liên danh Công ty CP Le Delta - Liên danh Công ty CP Xây dựng số 12 trúng thầu với giá 199.599 tỷ đồng (giá dự toán 200.128 tỷ đồng).

Tin Cùng Chuyên Mục