Mới đây, ngày 6/11, HĐQT Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã công bố nghị quyết về việc thông qua kết quả chuyển nhượng bất động sản tại Đường Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long B, quận 9, Tp.HCM để thu hồi vốn đầu tư. Cụ thể, HSG đã chuyển nhượng hai thửa đất có diện tích 4.156 m2 và 3.000 m2. Giá trị chuyển nhượng theo diện tích đo đạc thực tế là gần 140 tỷ đồng.
Không lâu sau, ngày 8/11, Hội đồng quản trị của Hoa Sen tiếp tục ban hành nghị quyết về việc chấm dứt hoạt động một số chi nhánh trực thuộc.
Cụ thể, Hoa Sen dự kiến sẽ chấm dứt hoạt động hai chi nhánh tại Dĩ An - Bình Dương và Châu Thành - Tiền Giang. Lý do chấm dứt hoạt động là tái cấu trúc hệ thống phân phối. Đồng thời, HĐQT thông qua chủ trương xử lý, thanh toán các khoản nợ, giải quyết chế độ đối với người lao động, thực hiện các hợp đồng, thực hiện các hoạt động của các chi nhánh.
Hàng loạt quyết định này được Hoa Sen đưa ra trong hoàn cảnh kinh doanh của công ty đang có dấu hiệu ngày càng tiêu cực. Theo báo cáo tài chính cho quý cuối niên độ 2017-2018, Hoa Sen báo lỗ ròng tới 102 tỷ đồng. Cụ thể, doanh thu của công ty này đạt 8.566 tỷ, tăng hơn 23% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn tăng cao đã khiến lợi nhuận gộp HSG giảm mạnh từ 1.131 về còn 724 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí trả lãi vay cũng là một nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng khó khăn về tài chính của Hoa Sen.
Tính chung cả năm niên độ 2017-2018, HSG đạt 34.441 tỷ doanh thu và 410 tỷ lợi nhuận sau thuế, giảm tới hơn 3 lần so với cùng kì trước. Đáng chú ý, tính đến ngày 30/9/2018, nợ vay ngắn hạn của Hoa Sen tăng từ 9.015 tỷ lên 10.880 tỷ, nợ vay dài hạn tăng từ 2.836 lên 3.462 tỷ đồng.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu HSG của Hoa Sen đang giao dịch ở mức 8.100 đồng/cổ phiếu, ngưỡng giá thấp nhất kể từ đầu năm 2016 cho đến nay.