Sáng 24/3, dự lễ khởi công các dự án đầu tư tại Khu kinh tế mở Chu Lai (tỉnh Quảng Nam), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tính thực tiễn và khái quát 6 bài học thành công rút ra từ trường hợp Chu Lai, Thaco.
Thủ tướng cho biết gần 20 năm trước, ít ai có thể hình dung một vùng đất cằn cỗi, hoang hóa như Chu Lai lại có thể trở thành nơi đặt đại bản doanh của một trong những tổ hợp công nghiệp thành công hàng đầu của cả nước. Năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp của Thaco tại Chu Lai đạt gần 42.000 tỷ đồng, đảm bảo công ăn việc làm cho gần 9.000 người, đóng góp gần 16.000 tỷ đồng thu ngân sách.
Từ hơn 15 năm, trước khi Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII ra đời, Thaco nói riêng, khu kinh tế mở Chu Lai nói chung đã góp phần khẳng định một cách đúng đắn từ rất sớm vai trò động lực quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là đối với một trong những vùng đất mà người xứ Quảng hay gọi là “chó ăn đá, gà ăn sỏi” ở khúc ruột miền Trung.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. |
“Tại sao Chu Lai thành công, điều gì cần rút ra từ câu chuyện này, kể cả những bài học thực tiễn, những tư duy chiến lược cần đúc rút”, Thủ tướng đặt vấn đề và khái quát 6 điểm chính rút ra từ trường hợp Chu Lai, Thaco.
Trước hết, ông nhấn mạnh tài nguyên quan trọng hàng đầu của Chu Lai nói riêng, cả nước nói chung, không nằm dưới lòng đất hay ngoài biển khơi, mà ở trong chính khối óc, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và khát vọng vượt lên chính mình của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Hai là, muốn thành công, địa phương cần vận động bằng được những “con sếu đầu đàn”, có khả năng đi trước dẫn đường. “Con sếu đầu đàn” phải là những nhà đầu tư giàu nghị lực, quyết tâm, sở hữu tiềm lực tài chính, có tinh thần dân tộc, có tầm nhìn xa, trông rộng, tư duy quản trị và óc kinh doanh nhạy bén.
Ba là, sau khi vận động được nhà đầu tư, địa phương, đặc biệt là cấp lãnh đạo phải luôn đồng hành, sát cánh, coi uy tín doanh nghiệp là chính uy tín của mình, xem khó khăn của doanh nghiệp cũng là khó khăn của chính mình và mỗi thành quả mà doanh nghiệp đạt được cũng là thành quả của chính địa phương.
Ngược lại, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư phải xây dựng cho mình tư tưởng tương tự. Chìa khóa quan trọng để thực hiện được điều này là công thức 3 bên cùng thắng, tức win-win-win chứ không chỉ win-win. Ba bên cùng thắng là Đảng bộ, chính quyền - cộng đồng doanh nghiệp - nhân dân địa phương.
|
Toàn cảnh khu kinh tế Chu Lai (tỉnh Quảng Nam). |
Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần giữ vững nguyên tắc “3 trong 1” là kinh tế - xã hội và môi trường trong mọi lựa chọn chiến lược và mô hình phát triển.
Bốn là, phải thường xuyên nuôi dưỡng khát vọng ngày mai phải tương sáng hơn hôm nay.
“Hơn lúc nào hết, từ giờ trở đi chúng ta phải cùng nhau xây dựng niềm tin, nuôi dưỡng khát vọng này sâu sắc hơn nữa trong từng doanh nghiệp Việt Nam”, ông nói.
Năm là, Thủ tướng nhấn mạnh phải không ngừng đổi mới sáng tạo trong cách tiếp cận trong cùng một vấn đề, trong chính những việc mình đã và đang làm rất tốt.
Sáu là, trong mọi đột phá về chiến lược thì đột phát về phương diện thể chế - cơ chế - chính sách luôn đóng vai trò tiên quyết.
“Nếu ai đó còn băn khoăn điều này thì hãy nhớ lại lịch sử đổi mới của Việt Nam, kể từ chính sách khoán hộ của Kim Ngọc cho đến giai đoạn đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của địa phương”, ông nói.
Theo Thủ tướng, sự chuyển mình của Chu Lai hôm nay vẫn chưa thực sự tương xứng với các giá trị tự nhiên về địa chiến lược của Chu Lai trên bản đồ khu vực và thế giới. Do đó ông lưu ý, không được tự mãn với những gì đang có, cần nhìn nhận và đánh thức những tiềm năng mới của chính vùng đất này. Xây dựng Chu Lai trở thành một cực tăng trưởng hàng đầu miền Trung - Tây Nguyên.
Tại Chu Lai, Thủ tướng cũng dự lễ khởi công các dự án Khu công nghiệp nông - lâm nghiệp; khu công nghiệp cơ khí ôtô Thaco Chu Lai mở rộng và dự án xây dựng bến cảng đón tàu 50.000 tấn, Khu nhà ở công nhân và tái định cư cho người dân. Tổng vốn đầu tư của các dự án là trên 10.000 tỷ đồng.