Nói điều này tại Hội nghị Chính phủ với địa phương ngày 28/12, Thủ tướng nhớ lại, có những hoàn cảnh và thời điểm, chúng ta đã thực sự đứng trước những khó khăn rất lớn, không nằm trong mọi kịch bản hay dự đoán.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, chúng ta đã vượt qua một hành trình gian truân nhưng vô cùng có ý nghĩa.
"Nếu năm 2016, chúng ta trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong một thế kỷ thì hôm nay, lần đầu tiên trong lịch sử, nông nghiệp nước ta đã xuất khẩu hơn 40 tỷ USD" Thủ tướng nói.
Kể từ năm 2008 đến nay, lần đầu trong 10 năm, nền kinh tế đã không chỉ đạt mà còn vượt mức tăng trưởng 0,38 điểm phần trăm, từ 6,7% đã lên mức 7,08% trong năm 2018.
"Nếu năm 2017, chúng ta xuất siêu đạt mức kỷ lục 2,1 tỷ USD thì năm 2018, chúng ta dự kiến đạt mức xuất siêu kỷ lục, lên đến trên 7 tỷ USD, gấp hơn 3 lần kỷ lục mà chúng ta đã xác lập được" Thủ tướng chỉ ra.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ ra, trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung thì Việt Nam chúng ta có 2 năm “vàng son” liên tiếp về kỷ lục xuất khẩu. Đặc biệt, tăng trưởng xuất khẩu của khu vực trong nước đạt 17%, cao hơn khu vực FDI 14%.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia tăng trưởng kinh tế cao và ổn định hàng đầu châu Á. Không chỉ vậy, chất lượng tăng trưởng của chúng ta cũng có sự cải thiện rõ nét. Thủ tướng lấy ví dụ về việc công nghiệp khai khoáng giảm gần 4%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng lên trên 12%.
“Rõ ràng chúng ta đang có sự chuyển dịch về mô hình tăng trưởng và sự thăng tiến cao hơn về chuỗi giá trị”, Thủ tướng khẳng định.
Nói về năm 2019, Thủ tướng đề nghị triển khai chương trình toàn diện, phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 với phương châm 12 chữ của Chính phủ: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”.
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm: Chúng ta sẽ không đánh đổi hay lựa chọn giữa chất lượng tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng mà phải đạt được cả 2, nghĩa là phát triển nhanh và bền vững..
Chính phủ luôn kiên trì nguyên tắc “3 trong 1” hay nói cách khác là 3 trụ cột bao gồm kinh tế, xã hội và môi trường.
Điều Thủ tướng quan tâm thời gian tới là phải tích cực tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới. Thủ tướng lấy ví dụ động lực tăng trưởng đến từ tiến trình đô thị hóa, từ ứng dụng công nghệ mới và từ các loại hình du lịch đa dạng, như du lịch biển và các vùng di sản, du lịch miền núi, du lịch sông nước,...
Thủ tướng lưu ý không chỉ cải thiện các hạ tầng cứng mà cần đồng thời phát huy các yếu tố hạ tầng của thế kỷ 21, gắn với mô hình phát triển dựa trên dữ liệu và sức mạnh sáng tạo.
"Chúng ta thúc đẩy cuộc cách mạng 4.0 vì dư địa tăng năng suất lao động ở đây là rất lớn. Chúng ta không chỉ phát huy các tài nguyên sẵn có mà quan trọng hơn là tinh thần cảm ứng và khả năng tư duy đóng góp của trên 100 triệu người Việt Nam cả trong và ngoài nước" Thủ tướng lên tiếng.
Thủ tướng đề xuất đánh giá lại toàn bộ thực trạng và tiềm năng đích thực của các ngành kinh tế nhằm kiến tạo sức bật mới cho sự phát triển. Thủ tướng dẫn chứng riêng ngành xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam năm nay có thể đem lại kim ngạch tới gần 10 tỉ USD. Đây là lĩnh vực chúng ta nằm trong top 5 các quốc gia xuất khẩu đồ nội thất toàn cầu.
Vấn đề được Thủ tướng nhấn mạnh nhiều lần là: “Chính phủ sẽ không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế". Điều này theo Thủ tướng không những nói tới 2017, 2018 và cả những năm tới đây bởi hành trình của dân tộc ta còn rất dài, với rất nhiều thách thức phía trước.
"Hơn thế, nội hàm giá trị cốt lõi và định hướng xuyên suốt của chúng ta trong mọi hành trình, chặng đường phát triển là không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau, từ thành thị tới nông thôn, từ miền ngược đến miền xuôi, biên giới, hải đảo”, Thủ tướng khẳng định.