Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã yêu cầu các Sở Tư pháp của 7 tỉnh cùng trao đổi thẳng thắn về những mặt tích cực và các điểm còn hạn chế, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để cùng tháo gỡ, thực hiện tốt hơn Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia.
Qua báo cáo của lãnh đạo Sở Tư pháp các tỉnh, thời gian qua, việc triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg luôn được cấp uỷ, chính quyền các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện, đặt biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhận thức về mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện Đề án, cũng như những nhiệm vụ được giao cho ngành Tư pháp trong bối cảnh Chính phủ đang thực hiện mạnh mẽ chủ trương chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện đang gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất định như: việc liên thông dữ liệu giữa hệ thống thông tin giải quyết TTHC và phần mềm của Bộ có lúc kết nối hoặc kết nối chậm làm ảnh hưởng tới kết quả giải quyêt TTHC, một số người dân không hiểu gây áp lực cho công chức tiếp nhận; tại một số địa phương, đa số công chức tư pháp vừa phải hướng dẫn người dân tạo tài khoản, thực hiện TTHC trực tuyến trên hệ thống thông tin của tỉnh vừa nghiên cứu sử dụng dữ liệu nên nhiều lúc còn lúng túng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, TTHC liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký cư trú, cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử, xoá đăng ký thường trú mới chỉ thực hiện được ở bước đăng ký khi sinh và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi do chưa kết nối được dữ liệu về cư trú và cơ sở dữ liệu về chuyên ngành; cơ sở vật chất để triển khai hệ thống thông tin đăng ký hộ tịch tại một số cơ quan đăng ký hộ tịch cấp huyện chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác xây dựng, quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu hộ tịch.
Sở Tư pháp các tỉnh kiến nghị Bộ Tư pháp hỗ trợ trong việc thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu các Hệ thống phần mềm do Bộ quản lý với hệ thống cổng dịch vụ công, hệ thống một cửa cấp tỉnh đảm bảo thuận lợi; tổ chức tập huấn cho công chức làm công tác hộ tịch để nâng cao năng lực xử lý chuyên môn trong việc giải quyết TTHC trực tuyến tại địa phương; có những điều chỉnh phù hợp trong công tác phối hợp với các cơ quan liên quan trong quá trình thực hiện Đề án…
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc ghi nhận những nỗ lực của các cơ quan tư pháp địa phương. Đề án 06 đã được triển khai hiệu quả và đạt được một số kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Thứ trưởng mong muốn các địa phương nâng cao nhận thức về tầm quan trọng về vị trí, vai trò của Đề án 06, bởi đây là Đề án có sự tác động lớn liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, nhiều lĩnh vực.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đề nghị Sở Tư pháp các địa phương cần thay đổi cách tiếp cận để thực hiện Đề án hiệu quả; có giải pháp căn cơ nhất để thúc đẩy quá trình thực hiện Đề án; thực hiện Đề án với tinh thần vừa làm vừa căn chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn từng địa phương, đồng thời các Sở Tư pháp phải nỗ lực làm hết trách nhiệm, nhiệm vụ mà Bộ giao; phải thực hiện đúng nguyên tắc, đúng quy định pháp luật.
Thứ trưởng nhấn mạnh quá trình triển khai thực hiện Đề án phải lấy người dân làm trung tâm, tất cả vì người dân. Mặt khác, phải nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về việc số hoá, tăng cường phối hợp với các ngành liên quan. Việc xây dựng nhiệm vụ năm 2023 của các cơ quan Tư pháp địa phương phải đưa nội dung về thực hiện Đề án vào nhiệm vụ trọng tâm, bên cạnh đó Bộ sẽ cùng phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong quá trình thực hiện, tháo gỡ các khó khăn.