Ngày pháp luật

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh: "Tăng trưởng năm 2018 có thể sẽ cao hơn mức 6,7% ​"

Theo Văn Kiên/Tiền Phong

Đó là thông tin được ông Lê Quang Mạnh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tại Hội nghị báo cáo viên các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trung ương tháng 12-2018 do Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức ngày 14/12.

Thông tin về tổng quan tình hình kinh tế- xã hội năm 2018, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm năm 2019, ông Lê Quang Mạnh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Tình hình kinh tế- xã hội năm 2018 đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, đạt cả 12 chỉ tiêu trong đó có 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch. “Tính đến giờ phút này có thể khẳng định tăng trưởng GDP năm 2018 hoàn toàn có thể đạt 6,7%”, ông Mạnh cho biết.

Điều đáng chú ý được ông Mạnh nêu ra là dự trữ ngoại tệ đạt mức kỷ lục 60 tỷ USD. Cơ cấu chi có chuyển dịch tích cực, khi chi đầu tư phát triển tăng cao hơn chi thường xuyên. Cụ thể, năm 2017 chi cho đầu tư phát triển chỉ đạt 25% còn năm 2018 đạt 26,8%, còn chi thường xuyên cũng giảm từ mức 64% xuống còn 63,3%.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh:

Nhìn nhận về chỉ tiêu GDP trong năm 2018 đặt ra ở mức 6,7%, ông Mạnh cho rằng, nhiều ý kiến nhìn nhận có thể cao hoặc thấp hơn một chút, nhưng trong bối cảnh hiện nay có nhiều mặt thuận lợi, có thể cao hơn do đang trong đà chu kỳ tăng trưởng tốt và tăng trưởng của thế giới đang cao.

Tuy nhiên theo ông, cũng có nhiều quan ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới cơ cấu sản xuất của thế giới, trong đó tác động đến các nước trong khu vực Đông Nam Á và chưa có dấu hiệu kết thúc.

“Khi Mỹ áp đặt thuế với Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới sản xuất, nhiều nước phải chuyển dịch đầu tư để khỏi bị ảnh hưởng theo tính toán trong 2019 chưa bị ảnh hưởng mà bắt đầu từ năm 2020-2021 sẽ đi xuống, chưa kể quá trình cơ cấu lại sản xuất của các nước có độ trễ từ 2-3 năm”, ông Mạnh cho hay.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng ở mức 6,7% trong năm 2018, ông Mạnh cho rằng, Chính phủ kiên định cần củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cải thiện các môi trường đầu tư kinh doanh bởi chỉ có tăng trưởng mới đảm bảo các nguồn lực.

Bên cạnh đó cần siết chặt kỷ cương hành chính, giải quyết tốt khiếu nại tố cáo, xây dựng Chính phủ điện tử cải cách các thủ tục hành chính nhà nước, qua đó công khai minh bạch trong điều hành, xử lý các thủ tục hành chính trong người dân và doanh nghiệp; bên cạnh đó là tinh giảm bộ máy, tăng cường đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng.

Tin Cùng Chuyên Mục