Ngày pháp luật

Thiếu quy định xử lý tài sản đảm bảo đã hết giá trị

Lê Hồng

Việc xử lý tài sản đảm bảo thi hành án (THA) trong các bản án, quyết định của tòa án hiện nay còn nhiều bất cập, gây khó khăn trong quá trình kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản, thanh toán chi phí phát sinh, tính lãi chậm THA…

Nhiều tài sản đảm bảo không còn giá trị

Đối với tài sản mà bản án, quyết định của Tòa án tuyên kê biên để đảm bảo THA, Chấp hành viên có thể thực hiện ngay quy trình xác định giá để định giá, bán đấu giá theo quy định. Còn đối với loại tài sản bản án tuyên tạm giữ, phong tỏa để đảm bảo THA thì Chấp hành viên phải thực hiện việc kê biên trước khi định giá, bán đấu giá. 

Ngoài ra, nhiều trường hợp Chấp hành viên phải thực hiện việc xác minh làm rõ tài sản bản án tuyên tạm giữ để đảm bảo THA có thuộc sở hữu của người phải THA không? Là tài sản sở hữu chung hay sở hữu riêng sau đó mới thực hiện quy trình kê biên, định giá, bán đấu giá. Có trường hợp kết quả xác minh cho thấy tài sản bản án, quyết định của Tòa án tuyên tạm giữ để đảm bảo THA không thuộc sở hữu của người phải THA và người phải THA cũng chưa thực hiện nghĩa vụ THA, vì vậy không thể trả lại tài sản cho chủ sở hữu. Do đó, cần thiết phải bổ sung quy định về xử lý tài sản trong trường hợp này.

Thực tế hiện nay có nhiều bản án, quyết định của Tòa án về hình sự tuyên tạm giữ tài sản để đảm bảo THA là các thiết bị điện tử như: điện thoại, máy tính, máy tính bảng.... Tuy nhiên, trong thời gian thu giữ từ khi điều tra, truy tố, xét xử đến khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, tài sản đã hư hỏng, kết quả thẩm định giá xác định tài sản không có giá trị. Theo quy định, Chấp hành viên sẽ phải thông báo cho người phải THA, khi đó, họ yêu cầu trả lại tài sản nhưng lại không thực hiện nghĩa vụ nộp tiền THA. Trong trường hợp này Chấp hành viên không thể trả tài sản cho đương sự và cũng không có căn cứ để tiêu hủy tài sản đó. Vì vậy, cần bổ sung quy định xử lý tài sản khi không còn giá trị.

Đối với bản án, quyết định của Tòa án tuyên phong tỏa cổ phần, cổ phiếu để đảm bảo THA theo quy định tại Điều 92 Luật THADS, Chấp hành viên và cơ quan THADS gặp khó khăn trong việc thi hành vì chưa có quy định, hướng dẫn dưới luật. Thực tế đã có việc kê biên, định giá, bán đấu giá tài sản là vốn góp, người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền THA. Khi đó, Chấp hành viên ban hành văn bản yêu cầu doanh nghiệp vốn góp của người phải THA vào sổ đối với người mua được tài sản trở thành cổ đông của doanh nghiệp nhưng họ không thực hiện, làm ảnh hưởng tới quá trình THA.

Bất cập quy định tính lãi chậm THA

Theo quy định của Bộ luật Dân sự, bản án, quyết định của Tòa án tuyên người phải THA, phải thi hành nghĩa vụ trả tiền, phải chịu lãi suất chậm THA tương ứng với thời gian chậm THA. Thời gian chậm THA được tính bắt đầu từ ngày người được THA có đơn yêu cầu THA đến ngày cơ quan THADS thu được tiền, tài sản THA.

Điều 48 Luật THADS quy định Thủ tưởng cơ quan THADS ra quyết định hoãn THA trong trường hợp đương sự đồng ý hoãn THA; việc đồng ý hoãn THA phải lập thành văn bản ghi rõ thời gian hoãn, có chữ ký của đương sự; trong thời gian hoãn THA thì người phải THA không phải chịu lãi suất chậm THA, trừ hợp đương sự có thỏa thuận khác. Thời hạn hoãn THA theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị, bản án, quyết định không quá 3 tháng, kể từ ngày ra văn bản yêu cầu hoãn THA; trong thời hạn hoãn THA thì người phải THA không phải chịu lãi suất chậm THA. Còn Khoản 1, Điều 49 Luật THADS quy định trong thời gian tạm đình chỉ THA do có kháng nghị thì người phải THA không phải chịu lãi suất chậm THA. 

Tuy nhiên, theo quy định của Luật đấu giá tài sản, việc hủy kết quả bán đấu giá tài sản do người mua được tài sản bán đấu giá không nộp đủ tiền mua tài sản trong thời gian quy định dẫn đến phải tiếp tục bán đấu giá tài sản, thời gian để thu được tiền THA sẽ bị kéo dài. Đây tuy không phải lỗi của người có tài sản đảm bảo nhưng họ lại phải chịu lãi suất chậm THA. Quy định như vậy là chưa phù hợp nên cần thiết phải có quy định không tính lãi suất chậm THA trong thời gian xử lý tài sản đảm bảo bị kéo dài không phải do lỗi của người có tài sản đảm bảo THA.