Thời gian qua, việc ngành chức năng thành phố Hà Nội “thả phanh” cho quy hoạch, thiếu quản lý chặt chẽ trật tự xây dựng đã “đẩy” việc học tập của con em tại nhiều khu đô thị mới trên địa bàn vào tình cảnh khó khăn. Đó là thực trạng nhiều khu đô thị mọc lên ồ ạt, nhưng quên hạ tầng xã hội đi kèm, trong đó có hệ thống trường học.
Anh Trần Văn Quang, trú tại khu đô thị mới Phùng Khoang, quận Nam Từ Liêm cho biết, năm học 2019-2010, con gái anh bắt đầu đi học mầm non, gia đình rất muốn cho con học trường công trên địa bàn, nhưng vì lớp học quá đông, nên đành đăng ký học ở trường tư thục.
"Hiện nay số học sinh trong các trường công quá tải, số học sinh quá đông, nên tôi đành cho cháu học trường ngoài…" - anh Trần Văn Quang cho biết.
Từ năm 2016 đến hết tháng 3/2019, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 147 dự án nhà ở thương mại, 13 dự án nhà ở xã hội; 11 dự án nhà tái định cư được quyết định chủ trương đầu tư xây dựng. |
Tình cảnh của anh Quang cũng là thực trạng của của nhiều gia đình sống tại các khu đô thị có con em trong độ tuổi đến trường (nhất là bậc mầm non, tiểu học). Đó là hệ lụy từ việc các nhà đầu tư “chạy” theo dự án, chung cư cao tầng, “bỏ quên” trường học.
Kết quả giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cho thấy, từ năm 2016 đến hết tháng 3/2019, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 147 dự án nhà ở thương mại, 13 dự án nhà ở xã hội; 11 dự án nhà tái định cư được quyết định chủ trương đầu tư xây dựng.
Trong đó, có nhiều dự án khu đô thị mới, khu nhà ở có quy hoạch xây dựng nhà trẻ, trường học phổ thông, nhưng việc đầu tư xây dựng chưa đồng bộ, chậm so với tiến độ như ở Khu đô thị mới Phùng Khoang; Khu đô thị Xuân Phương - Viglacera; Khu đô thị Thành phố giao lưu…
Tại khu đô thị Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai)-một trong những khu đô thị đông đúc, ngột ngạt bậc nhất thành phố Hà Nội, vài năm trở lại đây, áp lực trường lớp đối với ngành giáo dục lúc nào cũng “căng như sợi dây đàn”. Nếu như 5 năm trước, dân số phường Hoàng Liệt chỉ khoảng 40.000 người thì nay đã tăng lên 87.000 người.
Dân số tăng nhanh (chủ yếu là gia đình trẻ) nên số con em trong độ tuổi đến trường cũng tăng theo. Thống kê của phường Hoàng Liệt cho thấy, năm học 2019-2020 số học sinh (từ Mầm non đến Trung học cơ sở) trên địa bàn gần 14.000 em, nhưng phường chỉ có 1 trường Mầm non (5 điểm trường), 2 trường Tiểu học và 1 trường Trung học cơ sở.
Theo ông Tạ Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt, số học sinh tăng cao đang là áp lực đối với hệ thống trường lớp trên địa bàn: "Ví dụ như trường THCS Hoàng Liệt hiện nay đang học 2.500 trẻ. Nhưng tại trường Tiểu học có 6.000 trẻ và nếu 5 năm sau không xây dựng trường lớp thì 6.000 trẻ vào trường THCS sẽ không có chỗ để các cháu học".
Trao đổi với phóng viên VOV, bà Trương Thu Hà, Phó trưởng phòng Giáo dục Đào tạo quận Hoàng Mai cho biết, chuẩn bị năm học mới 2019-2020, UBND quận Hoàng Mai đã xây mới, cải tạo, sửa chữa thêm 19 trường công lập (chủ yếu là bậc tiểu học, Trung học cơ sở) với số tiền 385 tỷ đồng.
Tuy nhiên, số trường lớp tăng thêm này vẫn không đáp ứng con số học sinh trên địa bàn quận. Thống kê cho thấy, năm học 2019-2020 toàn ngành giáo dục quận Hoàng Mai có hơn 97.000 học sinh (tăng 6.660 học sinh so với năm học 2018-2019). Trong đó, công lập có trên 68.000 học sinh (tăng 3.732 học sinh so với năm học trước).
Bà Trương Thu Hà cho biết: "Hiện nay chúng tôi có 14 trường tiểu học vẫn phải học luân phiên 2 buổi/ngày, có cả luân phiên ngày thứ 7. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là biện pháp tạm thời…".
Khu đô thị mới Phùng Khoang, quận Nam Từ Liêm; Linh Đàm, quận Hoàng Mai chỉ là hai trong rất nhiều khu đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội luôn quá tải về trường lớp. Đây là câu chuyện cũ nhưng luôn “nóng” trước thềm năm học mới, mà nguyên nhân bắt nguồn là sự thờ ơ, vô trách nhiệm của chủ đầu tư tại các khu đô thị, ngành chức năng thành phố Hà Nội đối với chuyện học hành của con trẻ.
Hà Nội luôn lên tiếng về thực trạng thiếu quỹ đất xây dựng trường học, nhưng Hà Nội lại “dư thừa” đất cho các dự án cao ốc, chung cư thương mại… Lác đác một vài nhà máy, xí nghiệp được dời đi; một vài công sở bị đập bỏ, ngay lập tức thay vào đó là nhà cao tầng, văn phòng hỗn hợp cho thuê…
Và câu hỏi, bao giờ Hà Nội hết áp lực trường lớp tại các khu đô thị mới vẫn không thể trả lời, khi ngành chức năng thành phố vẫn thả phanh cho quy hoạch, thả phanh cho việc nhồi nhét cao ốc mà “quên” hạ tầng xã hội đi kèm?./.