Ngày pháp luật

Thị trường thép Việt Nam quý III: Doanh nghiệp khó khăn, hãng giảm sản lượng để bảo toàn

Giang Phạm

Nhiều công ty thép báo cáo lợi nhuận giảm trong bối cảnh sản lượng tiêu thụ ít, hàng tồn kho cao.

Những tháng cuối năm thường là mùa cao điểm của xây dựng, kéo theo nhu cầu thép tăng cao. Tuy nhiên, điều này dường như hoàn toàn ngược lại trong năm 2022.

Sản xuất và tiêu thụ thép tiếp tục "đi xuống"

Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 10/2022, sản xuất thép thành phẩm của Việt Nam đạt 2,04 triệu tấn, giảm 16,38% so với tháng 9/2022 và giảm 28,7% so với cùng kỳ năm 2021. Cùng với đó, sản lượng bán hàng thép thành phẩm các loại chỉ đạt 1,88 triệu tấn, giảm 5,53% so với tháng trước và giảm 29,4% so với cùng kỳ.

Thị trường thép Việt Nam quý III: Doanh nghiệp khó khăn, hãng giảm sản lượng để bảo toàn - Ảnh 1
Tình hình sản xuất và bán thép thành phẩm năm 2022. Nguồn: VSA
Tình hình sản xuất và bán thép thành phẩm năm 2022. Nguồn: VSA

Tính chung 10 tháng đầu năm, sản xuất thép thành phẩm đạt 25,31 triệu tấn, giảm 8,7%; bán hàng thép thành phẩm đạt 23,16 triệu tấn, giảm 6% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu đạt 5,3 triệu tấn, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Tồn kho cao là thực trạng trong những quý gần đây của ngành thép. Tại thời điểm 30/9, ngành thép tồn kho 85.000 tỷ đồng, ước tính giảm 25.000 tỷ đồng so với con số kỷ lục cuối quý II. Trong đó, Hòa Phát là doanh nghiệp "xả kho" mạnh nhất trong quý III với lượng tồn kho giảm gần 13.700 tỷ đồng so với đỉnh vào cuối quý trước. Tuy nhiên, tồn kho của doanh nghiệp này vẫn chiếm quá nửa trong tổng lượng tồn kho của toàn ngành thép thời điểm 30/9, với giá trị gần 44.000 tỷ đồng.

Doanh nghiệp thép đối diện với nhiều khó khăn 

Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp lớn trong ngành thép gần đây cho thấy, bức tranh kinh doanh quý III/2022 phủ một màu ảm đạm với các khoản lỗ kỷ lục.

Đơn cử là "ông lớn" ngành thép Tập đoàn Hoà Phát (HPG) với mức lỗ quý lên tới 1.786 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu HPG báo lỗ quý trong khoảng 13 năm trở lại đây. Cùng với đó, doanh thu trong quý III của HPG giảm 12% về mức 34.441 tỷ đồng.

"Ông lớn" ngành thép Tập đoàn Hoà Phát (HPG) với mức lỗ quý lên tới 1.786 tỷ đồng trong quý III/2022.
"Ông lớn" ngành thép Tập đoàn Hoà Phát (HPG) với mức lỗ quý lên tới 1.786 tỷ đồng trong quý III/2022.

Theo giải thích của lãnh đạo tập đoàn, kết quả trên là do nhu cầu thép suy yếu ở cả trong nước và thế giới. Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu, đặc biệt là giá than cao gấp 3 lần so với thời điểm bình thường, tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh là nguyên nhân đưa HPG vào thế khó. 

Trong tháng 10, sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép, thép cuộn cán nóng (HRC) giảm 42%, trong đó thị trường xuất khẩu sụt giảm tới hơn 73%. Ngoài ra, lượng bán hàng ống thép và tôn mạ cũng giảm lần lượt 20% và 39% so với cùng kỳ xuống 57.000 tấn và 27.000 tấn. 

Tuy nhiên Hoà Phát không phải là "ông lớn" thép duy nhất chìm đắm trong thua lỗ do lượng tiêu thụ ảm đạm cùng với tồn kho giá cao.

Hoa Sen Group (mã: HSG) mới đây cũng công bố mức lỗ ròng lịch sử trong quý III/2022 lên đến 887 tỷ đồng. Doanh thu thuần của công ty đạt 7.939 tỷ đồng, giảm đến một nửa so với mức hơn 15.700 tỷ đồng ở cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của Hoa Sen Group giảm 17% so với con số đầu năm, xuống còn hơn 17.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu do mức giảm của các khoản phải thu ngắn hạn, hàng tồn kho,...

Không chỉ các "ông lớn", bức tranh tài chính của các doanh nghiệp thép nhỏ lẻ như Công ty cổ phần thép Pomina (POM) cũng thể hiện sự mong manh. Trong 3 tháng gần nhất, doanh thu thuần POM giảm 4%, chỉ đạt gần 3.000 tỷ đồng. Giá bán giảm quá mạnh khiến POM lỗ gộp lên tới 578 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 120 tỷ.

Chi phí tài chính tăng 42% so với cùng kỳ, đạt 119 tỷ đồng. Kết quả, công ty Pomina ghi nhận khoản lỗ ròng lên tới 716 tỷ đồng - cao nhất từ trước đến nay. 

Trước áp lực về khoản thua lỗ nặng, nhiều doanh nghiệp buộc phải dừng hoạt động sản xuất lò cao. 
Trước áp lực về khoản thua lỗ nặng, nhiều doanh nghiệp buộc phải dừng hoạt động sản xuất lò cao. 

Trước áp lực về khoản thua lỗ nặng, lãnh đạo công ty POM buộc thông báo dừng hoạt động sản xuất lò cao từ ngày 23/9/2022, đồng thời chấm dứt lao động với một số nhân viên. Ban lãnh đạo Thép Pomina cho biết doanh nghiệp đã bị thiệt hại nặng do các tác động tiêu cực từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, đẩy giá dầu cùng các loại hàng hóa leo thang. Trong khi đó, giá bán sản phẩm từ thép, phôi thép giảm liên tiếp và nhà máy phải đương đầu với khủng hoảng trong bối cảnh kinh tế chững lại trên toàn cầu.

Mặc dù không thông báo "đóng lò" nhưng "ông lớn" Formosa Hà Tĩnh cho biết cũng sẽ dần dần giảm sản lượng. Ở giai đoạn đầu tiên, hãng thép này sẽ cắt giảm 15% để ổn định giá cả tại thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, trước ngày 15/11, Formosa Hà Tĩnh cũng sẽ thông báo giá bán mới cho tháng 12/2022, đồng thời quan sát thông báo giá mới từ ông lớn Baosteel và các nhà máy châu Á khác.

Không nằm ngoài vòng xoáy thua lỗ của ngành thép, một doanh nghiệp lớn khác trong ngành là Công ty cổ phần Thép Nam Kim (NKG) cũng báo lỗ hơn 400 tỷ đồng với doanh thu giảm gần 1,7 lần so với cùng kỳ. Đây là khoản lợi nhuận âm kỷ lục của doanh nghiệp này kể từ khi công bố thông tin vào quý I/2010.

Nhiều doanh nghiệp thép kỳ này đồng loạt báo lỗ kỷ lục.
Nhiều doanh nghiệp thép kỳ này đồng loạt báo lỗ kỷ lục.

Tương tự, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel, mã: TVN) cũng ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế âm 535 tỷ đồng - mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, TVN lãi 49,99 tỷ đồng. 

Nhóm các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam kỳ này đồng loạt báo lỗ kỷ lục hoặc có lãi cũng nhỏ giọt.

Công ty cổ phần Thép Thủ Đức (TDS) gây chú ý với báo cáo tài chính quý III mang màu “xám” tương tự cùng khoản lợi nhuận sau thuế âm 22 tỷ đồng, tăng thêm gần 37% so với cùng kỳ. Mức lỗ tương tự xuất hiện với Thép Vicasa (VCA), trong khi cùng kỳ công ty lãi khoảng 2 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận đáy của hai doanh nghiệp trong nhiều năm.

Cũng "họ" VnSteel, Thép Mê Lin (MEL) và Thép Cao Bằng (CBI) giữ được lợi nhuận dương nhưng ở mức rất thấp, lần lượt giảm 95% và 99% so với cùng kỳ.

Liệu có "nhịp hồi" nào cho ngành thép trong thời gian tới?

Nhận định về thị trường thép trong nước từ nay đến cuối năm, VSA cho rằng trong quý IV/2022 mới có thể khởi sắc, bởi theo thông lệ đây là giai đoạn nhu cầu thép tăng lên khi các công trình xây dựng gấp rút đẩy mạnh tiến độ. Tuy nhiên, nhu cầu có tăng hay không vẫn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là khi tồn kho của các doanh nghiệp vẫn ở mức cao, cần thời gian để xử lý.

Ngoài ra, nhu cầu của thế giới vẫn đang ở mức thấp nên dù châu Âu và Trung Quốc có đang giảm sản lượng thì Việt Nam cũng chưa thể đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường này.

Với cái nhìn lạc quan, Công ty Chứng khoán VCBS nhận định, nguồn vốn kế hoạch giải ngân trong năm 2022 và 2023 còn lại rất nhiều. Đây sẽ là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy xây dựng các dự án hạ tầng cũng như nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng phát triển.

Tin Cùng Chuyên Mục