Ngày pháp luật

Thép Tiến Lên (TLH) lợi nhuận quý III/2022 thấp nhất trong 8 quý trở lại

Giang Phạm

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của TLH đạt 3.662 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 121,78 tỷ đồng, giảm 70%.

Bức tranh kinh doanh quý III/2022 của các Công ty cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên (mã: TLH) hiện lên với số liệu không mấy khả quan.

Cụ thể, trong 3 tháng gần đây, doanh thu thuần của Thép Tiến Lên đạt 1.159 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn tăng mạnh 47% lên 1.102 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp của công ty sụt giảm 64,5%, còn 57 tỷ đồng. Biên lợi nhuận giảm từ 17,7% xuống chỉ còn 4,9%.

Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 của Công ty Thép Tiến Lên.
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 của Công ty Thép Tiến Lên.

Đáng chú ý, doanh thu tài chính cũng giảm gần một nửa còn 4,5 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính lại tăng vọt 72% lên 31 tỷ đồng (riêng chi phí lãi vay là 25 tỷ đồng). Khấu trừ thêm các loại chi phí khác và thuế, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp còn 6,79 tỷ đồng, giảm 94% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là mức lợi nhuận quý thấp nhất của TLH trong 8 quý liên tiếp, kể từ quý II/2020. Theo đại diện công ty, lợi nhuận công ty thép này giảm mạnh là do nhu cầu tiêu thụ thép giảm mạnh. 

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của TLH đạt 3.662 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 121,78 tỷ đồng, giảm 70%; trong đó lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 120,3 tỷ đồng.

Năm 2022, TLH đặt kế hoạch tổng doanh thu 5.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, doanh nghiệp này mới chỉ hoàn thành 40,6% chỉ tiêu lợi nhuận năm nay.

Tính đến 30/9/2022, tổng tài sản của TLH là 4.685 tỷ đồng tăng thêm 490 tỷ so với đầu năm, trong đó có tới 3.386 tỷ đồng là hàng tồn kho - chủ yếu do lượng hàng hoá và nguyên vật liệu tăng cao. 

Điểm đáng chú ý trong cơ cấu tài sản là tổng danh mục đầu tư chứng khoán tăng thêm 30,7 tỷ đồng so với đầu năm, lên 138,2 tỷ đồng. Trong đó, công ty đang trích lập dự phòng 60,79 tỷ đồng, tức là lỗ 44% giá trị. 

Theo bản thuyết minh của TLH, danh mục đầu tư cổ phiếu không thay đổi so với đầu năm, phần lớn nắm giữ cổ phiếu SHB, VIX, IJC. Trong đó, công ty đầu tư nhiều nhất là 23,5 tỷ đồng cho cổ phiếu SHB, trích lập dự phòng 11 tỷ; "rót" 21,2 tỷ đồng vào cổ phiếu VIX và trích lập 11,98 tỷ đồng; đồng thời "đặt niềm tin" 18,2 tỷ đồng vào cổ phiếu IJC, trích lập dự phòng 8,5 tỷ đồng. 

Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 của Công ty Thép Tiến Lên.
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 của Công ty Thép Tiến Lên.

Ngoài ra, TLH còn đầu tư 75,3 tỷ đồng các cổ phiếu khác, trích lập dự phòng 29,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 9, giá trị cổ phiếu SHB giảm hơn 47%, giá trị cổ phiếu VIX giảm 56%, giá trị cổ phiếu IJC giảm 47%. 

Nợ phải trả thời điểm cuối tháng 9 là 2.647 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn - 1.941 tỷ đồng và nợ phải trả người bán (277 tỷ đồng).

Vốn chủ sở hữu của công ty tăng lên mức 2.037 tỷ đồng vào ngày cuối tháng 9, trong đó có gần 824,9 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu TLH có xu hướng giảm mạnh theo đà đi xuống của nhóm cổ phiếu thép. Từ mức đỉnh gần 24.000 đồng/đơn vị thiết lập hồi cuối năm ngoái, giá cổ phiếu TLH đã "trôi" về vùng đáy 20 tháng. Chốt phiên giao dịch ngày 27/10, giá cổ phiếu TLH giao dịch quanh vùng thị giá 6.690 đồng/đơn vị.

Tin Cùng Chuyên Mục