Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5, do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng tổ chức tại Hà Nội, ngày 17/12, GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã đề cập đến triển vọng thị trường bất động sản trong năm 2023.
Thị trường bất động sản có nhiều cơ hội để phát triển
Theo ông Chương, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 được dự đoán có nhiều khả năng sẽ hồi phục. Thị trường bất động sản tiếp tục đóng vai trò rất quan trọng trong việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng và sẽ nhận được sự quan tâm rất lớn của Nhà nước, Chính phủ và các Bộ Ban ngành Trung ương và địa phương. Đây sẽ là trọng tâm chính trong các cơ chế chính sách nhằm phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Năm 2023 cũng là năm Quốc hội xem xét, thông qua đạo luật cơ bản liên quan đến thị trường bất động sản như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở…, đồng thời tháo gỡ những điểm nghẽn về mặt pháp lý cho thị trường.
Do đó, thị trường bất động sản có nhiều cơ hội để phát triển theo đúng chu kỳ. Nhu cầu thị trường bất động sản vẫn còn lớn, đặc biệt là nhu cầu thực về nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp, thu nhập trung bình. Nhu cầu đầu tư với các bất động sản có đủ điều kiện pháp lý vẫn lớn khi các kênh đầu tư khác kém hấp dẫn.
Tuy nhiên, GS. Chương cũng cho rằng thị trường bất động sản sẽ tiếp tục đối diện với một số khó khăn về giải quyết tính pháp lý của các dự án, thu hút nguồn vốn. Thị trường tiếp tục trầm lắng do tâm lý chờ đợi các động thái của Chính phủ. Nguồn cung bất động sản đang có xu hướng giảm trong khi giá bất động sản (cụ thể giá nhà và đất nền) vẫn ở mức cao. Giá nhà quá cao cũng làm cho nhiều người có nhu cầu mua nhà thực không có khả năng tiếp cận.
Đâu là giải pháp giúp phát triển thị trường bất động sản lành mạnh?
Đề cập giải pháp phát triển thị trường bất động sản, GS.TS Phạm Hồng Chương nhận định, trong ngắn hạn cần đưa ra điều chỉnh nguồn cung cho thị trường. Cụ thể, cần rà soát, xử lý các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở đang triển khai và đã giao dự án nhưng chưa triển khai để phân loại các dự án được tiếp tục triển khai. Cùng với đó xác định những dự án nào cần tạm dừng, dự án cần điều chỉnh cơ cấu, loại hình nhà ở cho phù hợp với nhu cầu của thị trường và nguồn lực xã hội.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý đô thị, phát triển nhà ở, kinh doanh bất động sản theo hướng tăng cường quản lý nhà nước, kiểm soát có hiệu quả công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, kế hoạch phát triển nhà ở, giá bất động sản bảo đảm cân đối cung cầu, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, nhu cầu của thị trường.
Về giải pháp tín dụng cho thị trường bất động sản, ông Chương cho rằng cần tiếp tục mở rộng room tín dụng cho lĩnh vực bất động sản ở mức hợp lý; ban hành các tiêu chí cho vay đối với các loại bất động sản khác nhau.
Bên cạnh đó, cần rà soát, đẩy nhanh, tiến độ phê duyệt cấp tín dụng đối với các dự án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, có khả năng thu hồi vốn cao; mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, tăng cường công tác thẩm định, giám sát việc sử dụng vốn vay, đảm bảo đúng mục đích, hạn chế nợ xấu mới phát sinh.
Đề xuất giải pháp mang tính dài hạn, GS.TS Phạm Hồng Chương cho rằng, cần tăng cường công tác quản lý, kiểm soát bảo đảm thị trường bất động sản phát triển cân đối giữa cung và cầu; nâng cao tính công khai, minh bạch của trường thị bất động sản; hoàn thiện hệ thống thông tin, dự báo thị trường bất động sản.
Đẩy nhanh công tác lập quy hoạch các khu vực đô thị, tổ chức thông tin đầy đủ về lộ trình hình thành, triển khai đồ án quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư xây dựng; Tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin tới người dân tại khu vực quy hoạch, nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư thực sự.
Ngoài ra, ông Chương cho rằng việc thiết lập hệ thống thông tin về thị trường bất động sản thống nhất từ Trung ương tới địa phương cũng rất cần thiết, qua đó yêu cầu các địa phương và doanh nghiệp thực hiện chế độ báo cáo nghiêm túc, tập trung, đầy đủ, kịp thời, làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, đồng thời góp phần công khai, minh bạch hoá thị trường bất động sản.
Chất lượng các sàn giao dịch bất động sản cần được nâng cao về nhân sự, chuyên môn, điều kiện về cơ sở vật chất tối thiểu cho sàn giao dịch hoạt động… Cùng với đó là hoàn thiện chính sách kiểm soát chống đầu cơ bất động sản, hoàn thiện các chính sách nhằm giảm chi phí đầu vào của thị trường bất động sản.