Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đánh giá cao vai trò của thị trường BĐS. Bộ trưởng khẳng định, tầm quan trọng của thị trường BĐS đã được Đảng, Nhà nước định hướng trong nhiều văn kiện, chính sách quan trọng.
Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, từ năm 2013 đến nay, tính thanh khoản của thị trường BĐS tăng ở hầu hết các phân khúc, sản phẩm, giao dịch tăng trở lại và duy trì mức khá, cơ cấu hàng hóa BĐS được được điều chỉnh hợp lý, hướng tới nhu cầu thực và khả năng thanh toán của thị trường; Mặt bằng giá cả BĐS ngày càng ổn định, phù hợp với khả năng chi trả của người dân; lượng tồn kho BĐS giảm; lĩnh vực đầu tư BĐS vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Hầu hết các doanh nghiệp, nhà đầu tư BĐS vượt qua thời kỳ khó khăn, nhiều dự án nhà ở, khu đô thị mới, khu du lịch nghỉ dưỡng, kinh doanh dịch vụ thương mại... với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ, hiện đại được hình thành có tầm cỡ quốc tế, làm thay đổi diện mạo bộ mặt đô thị.
Dự báo trong năm 2018 thị trường BĐS chưa có dấu hiệu biến động lớn, nhưng theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, thời điểm hiện tại thị trường BĐS vẫn còn một số biểu hiện như: Nguồn vốn đầu tư kinh doanh BĐS chưa đa dạng. Cơ cấu hàng hóa BĐS tuy đã được điều chỉnh từng bước nhưng chưa hợp lý và chưa được kiểm soát chặt chẽ, dư cung ở một số BĐS cao cấp nhưng lại thiếu nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp; một số doanh nghiệp tập trung BĐS cao cấp, BĐS nghỉ dưỡng mà chưa quan tâm đến phân khúc nhà ở bình dân, nhà ở thương mại giá rẻ, nhà cho thuê, nhà ở xã hội...
Tính minh bạch công khai thị trường BĐS còn yếu. Năng lực một số chủ thể tham gia vào thị trường BĐS còn hạn chế, 1 số cơ quan ban hành chính sách còn chậm… chưa đáp ứng 1 số loại hình BĐS mới, một số doanh nghiệp triển khai dự án chưa phù hợp, chậm tiến độ, lãng phí đất đai… cản trở sự phát triển.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh: Hiện Bộ Xây dựng đang xây dựng đề án đánh giá thị trường, dự báo xu hướng trung hạn và đề xuất các giải pháp cơ chế chính sách thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh trình Chính phủ. Đề án sẽ đổi mới tự duy về công cụ thuế, phương pháp lý luận mới hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn mới, sử dụng đất nguồn lực thấp gây lãng phí, phát triển nhà ở công nghệ mới phù hợp Việt Nam hiện nay….
Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Trần Nam cho biết: "Diễn đàn này là dịp để chúng ta có cái nhìn toàn diện, trung thực về những thành tựu đã đạt được, những khó khăn vướng mắc cần vượt qua và xu thế phát triển của thị trường".
Toàn cảnh Hội nghị
Theo kế hoạch, chương trình sẽ có 4 phiên báo cáo chính được trình bày tại lễ khai mạc. Bộ Xây dựng có tham luận Tổng quan tình hình BĐS Việt Nam; Bộ Tài chính có tham luận Cải cách thuế cho thị trường BĐS; Bộ Tài nguyên Môi trường có bài phát biểu Chính sách và thủ tục đất đai - Định hướng và sửa đổi; Ngân hàng Nhà nước có tham luận Chính sách tín dụng cho thị trường BĐS.
Theo Chủ tịch hiệp hội BĐS Việt Nam, ông Nguyễn Trần Nam nhận định, đây là dịp để chúng ta cùng nhìn nhận, đánh giá các phân khúc thị trường. Các điểm mạnh cần duy trì phát huy, các điểm yếu cần khắc phục, hạn chế. Dự báo khuynh hướng thị trường để điều chỉnh cơ chế chính sách cho phù hợp, định hướng thị trường theo như cầu thực tế và khuynh hướng chung quốc tế...
Sau mỗi chuyên đề “Nhà ở thương mại giá rẻ và Nhà ở xã hội”, “Cải tạo chung cư cũ” hay chuyên đề về “Công trình xanh”, “Bất động sản nghỉ dưỡng” là các phiên thảo luận. Tại diễn đàn, các chủ đầu tư, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực BĐS sẽ có những đề xuất, kiến nghị đến cơ quan quản lý nhà nước về các vấn đề đang tồn tại vướng mắc cần giải quyết.