Ngày pháp luật

Thép Việt dùng nguyên liệu trong nước không bị Mỹ áp thuế hơn 400%

Theo Anh Minh/VnExpress

Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định những sản phẩm dùng thép cán nóng trong nước vẫn được bán sang Mỹ, không bị ảnh hưởng.

Sau 11 tháng điều tra, ngày 2/7, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã sơ bộ kết luận sản phẩm thép cán nguội và thép chống ăn mòn sử dụng thép cán nóng nhập khẩu từ Hàn Quốc, Đài Loan là "chuyển đổi không đáng kể", giúp lẩn tránh thuế mà Mỹ đang áp. Do đó, Hải quan Mỹ được đề nghị thu thuế lên tới 456,23% với thép nhập khẩu từ Việt Nam có sử dụng vật liệu từ hai nơi này.

Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: "Trường hợp thép cán nguội, thép chống ăn mòn được sản xuất từ nguyên liệu của Việt Nam không bị áp thuế theo quyết định này".

Thép Việt dùng nguyên liệu trong nước không bị Mỹ áp thuế hơn 400% - Ảnh 1

Kiểm tra thép nhập khẩu. Ảnh: WSJ

Cũng theo ông Dũng, theo thông lệ trước đây của Mỹ, nếu doanh nghiệp nhập thép cán nóng sau đó sản xuất thành chủng loại thép khác sẽ được coi là "chuyển đổi đáng kể", không bị coi là lẩn tránh thuế. Nhưng 3 năm gần đây, Mỹ đã thay đổi quan điểm và yêu cầu phải được sản xuất trong nước mới được coi là không lẩn tránh thuế.

Cục Phòng vệ thương mại khẳng định, trong quá trình điều tra đã phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội thép, các doanh nghiệp liên quan để cung cấp thông tin về quá trình sản xuất tại Việt Nam cũng như mức độ giá trị gia tăng của sản phẩm.

Bộ Công Thương đã cảnh báo, khuyến nghị việc, các cơ quan điều tra của nước nhập khẩu có thể thay đổi quyết định, đề ra những quy định khắt khe hơn để doanh nghiệp nghiên cứu phương án sản xuất kinh doanh phù hợp.

Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) lại tỏ ra không bất ngờ về phán quyết sơ bộ của DOC, bởi Hiệp hội này từng cảnh báo nhiều lần. Ông Nguyễn Văn Sưa - nguyên Phó chủ tịch VSA cho rằng, quyết định áp thuế của Mỹ với một số mặt hàng thép Việt không phải là tín hiệu đáng lo ngại với ngành thép trong nước.

Năm 2017, Mỹ từng đánh thuế tương tự với thép Việt, và lúc đó ngành thép chỉ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn bởi từ tháng 6/2017, Formosa Hà Tĩnh đã sản xuất được thép cán nóng – nguyên liệu để làm thép cán nguội và thép chống gỉ (thép mạ, thép phủ màu).

Nói về hành vi lẩn tránh thuế này, ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Công Thương cho hay, phần lớn nằm ở một số doanh nghiệp FDI lấy nguyên liệu thép cán nóng nhập từ Hàn Quốc, Đài Loan... rồi gia công thành sản phẩm, và bán sang Mỹ. Doanh nghiệp thép Việt Nam đã "biết điều này nên có sự chuẩn bị nhất định từ năm ngoái". Theo ông, nếu doanh nghiệp sử dụng thép cán nóng trong nước, hoặc nước không bị Mỹ đánh thuế thì vẫn bán được sản phẩm sang Mỹ.

Sau kết luận sơ bộ, theo thông lệ Mỹ sẽ đưa ra kết luận chính thức sau 3-4 tháng. "Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, phù hợp với quy định pháp luật, quy định WTO và ngăn chặn hành vi lẩn tránh thuế", Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại khẳng định. 

Từ tháng 12/2015 và tháng 2/2016, Mỹ đã áp thuế lên các sản phẩm thép chống gỉ và thép cán nguội từ Hàn Quốc và Đài Loan. Cũng theo phía Mỹ, từ đó đến tháng 4/2019, xuất khẩu thép chống gỉ và thép cán nguội từ Việt Nam sang Mỹ tăng mạnh so với trước.

Phán quyết của Bộ Thương mại Mỹ được thực hiện dựa trên yêu cầu từ phía của một số doanh nghiệp Mỹ bao gồm ArcelorMittal, Nucor Corp, United States Steel Corp, Steel Dynamics Inc, California Steel Industries, và AK Steel Corp.

Tin Cùng Chuyên Mục