Liên quan đến câu chuyện "giải cứu" Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) trong bối cảnh thiếu hụt thanh khoản do ảnh hưởng bởi Covid-19, Tổ tư vấn của Thủ tướng chiều nay đã họp bàn các giải pháp để tăng tốc độ tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines.
Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành đã trình bày về thực trạng hiện tại của Tổng công ty, với con số ước lỗ năm 2020 khoảng 13.000 tỷ (gần hết vốn điều lệ), thiếu hụt thanh khoản dự kiến khoảng 16.000 tỷ, và Vietnam Airlines đề xuất được Chính phủ hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp 12.000 tỷ.
Sau khi nghe các chuyên gia trình bày về các giải pháp hỗ trợ vốn cho Vietnam Airlines, với tư cách đại diện phần vốn Nhà nước tại Tổng công ty, ông Đinh Việt Tùng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết có một số nút thắt khi SCIC muốn tham gia đầu tư vào Vietnam Airlines.
SCIC và nút thắt "phải bảo toàn vốn"
Đại diện SCIC cho biết phía SCIC và Vietnam Airlines đã ngồi làm việc cùng nhau từ rất sớm, nhưng sau đó có một số vấn đề SCIC cho rằng không thể giải quyết một sớm một chiều.
Thứ nhất, với vai trò là một nhà đầu tư tài chính thông thường, SCIC cũng phải nghiên cứu, định giá, làm các thủ tục thẩm định (due diligence), các deal đầu tư sẽ phải mất 6-9 tháng và như vậy sẽ không kịp tiến độ của Vietnam Airlines. Còn nếu Vietnam Airlines tăng vốn theo phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu, thì lại vướng Luật chứng khoán là doanh nghiệp phải có lãi theo báo cáo tài chính quý gần nhất, nếu Vietnam Airlines "vượt rào" thì việc này phải trình lên Quốc Hội.
Thứ hai, trong các buổi làm việc với Vietnam Airlines trước đó, Tổng công ty Hàng không Quốc gia chưa đưa ra được bức tranh tổng thể lâu dài, đến năm 2021 cũng chưa thể nói sẽ ra sao nên SCIC không thể dự báo được tương lai của khoản đầu tư này ra sao, do đó với tư cách là nhà đầu tư tài chính thì SCIC thấy rằng khoản đầu tư này khó.
Còn với tư cách được Chính phủ chỉ định hỗ trợ Vietnam Airlines thì SCIC cho rằng, nếu dùng từ "giải cứu" hoặc "hỗ trợ thanh khoản" thì các giải pháp này mang tính ngắn hạn. Đại diện SCIC cho rằng Vietnam Airlines phải có phương án tổng thể để nếu Nhà nước bỏ tiền vào thì chí ít phải duy trì được.
"Chúng ta ngồi đây bàn hỗ trợ thanh khoản đến 31/12/2020, nhưng phương án xây dựng làm sao bằng giờ này năm sau không phải ngồi giải cứu nữa. Tôi biết rằng nội tại Vietnam Airlines có nhiều phương án để tái cấu trúc như cắt giảm chi phí, giãn nợ, xin giảm lãi suất, nhưng tổng chi phí cho các phương án đấy là bao nhiêu, Vietnam Airlines phải lên nhiều kịch bản", đại diện SCIC đề xuất.
Thứ ba, nút thắt quan trọng nhất, đó là SCIC có chức năng đầu tư theo chỉ định của Chính phủ và Thủ tướng. Tuy nhiên, có vướng mắc là doanh nghiệp nhà nước, vẫn phải thực hiện theo luật 69. Tại khoản 6, điều 5 luật 69, có một nguyên tắc là cơ quan chủ sở hữu và doanh nghiệp nhà nước thực hiện đầu tư đảm bảo nguyên tắc phát triển vốn. Nếu có nguyên tắc này thì SCIC không thể làm được.
"Vì theo nguyên tắc này, đến thời điểm hiện tại, chúng ta không thể dự báo được Vietnam Airlines sẽ hồi phục tại thời điểm nào. Tại thời điểm quyết định đầu tư, SCIC không thể nào trả lời được rằng khoản đầu tư này sẽ bảo toàn và phát triển vốn", ông Tùng cho biết.
Do đó, ông Tùng cho rằng, nếu SCIC đầu tư vào Vietnam Airlines thì phải có cơ chế đặc thù miễn trừ được quy định với SCIC, có bảo toàn vốn và phát triển vốn trong ngắn hạn và dài hạn hay không. Hiện nay Luật có quy định về chỉ định đầu tư nhưng văn bản dưới luật chưa có hướng dẫn quy định cụ thể, phải có cơ chế đặc thù để chỉ định.
Cuối cùng, theo Luật 69, hiện nay Vietnam Airlines không thuộc ngành nghề nhà nước phải đầu tư vốn, do đó VNA phải xây dựng phương án rất tổng thể, để công khai minh bạch rõ ràng.
Trước đó vào tháng 6, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC Nguyễn Đức Chi chia sẻ SCIC đề xuất với Nhà nước để tham gia quá trình tái cấu trúc Vietnam Airlines. Nguyện vọng của SCIC là trở thành cổ đông của Vietnam Airlines nếu tổng công ty này tăng vốn.
Có thể bàn tới phương án phát hành riêng lẻ cổ phiếu hoặc trái phiếu chuyển đổi cho SCIC
Phát biểu tại toạ đàm, ông Vũ Bằng, cựu Chủ tịch Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng vai trò của Vietnam Airlines rất quan trọng trong nền kinh tế, Covid không phải là chuyện một sớm một chiều nên các giải pháp hỗ trợ phải kéo dài hơn không chỉ cho năm nay.
Ông Vũ Bằng đề xuất các giải pháp cơ cấu vốn cho Vietnam Airlines bao gồm:
Việc vay vốn ngân hàng tái cấp vốn là phù hợp, có thể có kết hợp thêm các ngân hàng các khoản vay kết hợp cùng nhà nước tăng thêm nguồn tài chính giúp VNA vượt qua khó khăn.
Về phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, về mặt pháp lý có những điểm vướng mắc vì công ty có lỗ lũy kế thì theo Luật không được phát hành ra đại chúng, nhưng còn một cách khác là phát hành cổ phiếu riêng lẻ thẳng cho SCIC theo sự ủy quyền của Nhà nước, điều này không bị vướng yêu cầu về phải có lãi. Giá phát hành riêng lẻ ở mức hài hòa giữa nhà nước và doanh nghiệp, và điều này chỉ cần xin ý kiến của Đại hội cổ đông.
Hoặc Vietnam Airlines có thể phát hành riêng lẻ trái phiếu chuyển đổi cho SCIC, được Nhà nước chỉ định. Tỷ lệ chuyển đổi được tính dựa trên giá cơ sở của Vietnam Airlines trên sàn (mã HVN) khoảng 26.000 đồng/cp, giá trị sổ sách ở mức khoảng 15.000 đồng/cp thì có thể tính tỷ lệ chuyển đổi cân bằng giữa lợi ích của nhà nước trong khoảng đó.
Có thể trái phiếu có kỳ hạn 4 năm, mở linh hoạt, nếu các năm tới Vietnam Airlines làm tốt thì Nhà nước có thể chuyển trước hạn. Còn nếu ở thời điểm chuyển đổi mà giá cổ phiếu thấp và khoản đầu tư của Nhà nước có thể bị lỗ thì có thể chuyển thành khoản vay với lãi suất thấp. Còn nếu thị trường hồi phục thì sau này Nhà nước có thể bán quyền mua chuyển đổi mà vẫn giữ về tỷ lệ sở hữu tại Vietnam Airlines. Hướng đi này theo ông Vũ Bằng sẽ gỡ được các vấn đề về mặt pháp lý.
Kiến nghị Chính phủ giải quyết nhanh nhất các vấn đề của Vietnam Airlines
Kết luận buổi họp, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế Quốc Hội, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết sẽ gửi đề xuất cho Thủ tướng về các giải pháp hỗ trợ Vietnam Airlines.
"Chính phủ các nước đang phản ứng rất nhanh và có các biện pháp mạnh để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, còn chúng ta phải "liệu cơm gắp mắm". Từ Chỉ thị 11 của Thủ tướng đến nghị quyết 42 của Chính phủ, Quản lý Nhà nước đã hỗ trợ chung cho ngành hàng không như giảm phí bãi đỗ, phí hạ cất cánh, đề nghị Uỷ ban thường vụ quốc hội giảm thuế xăng dầu, những gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ cũng đã triển khai".
Ông Kiên cho rằng, việc bàn tham mưu tư vấn cho Thủ tướng các biện pháp xử lý các vấn đề khó khăn mà Vietnam Airlines đang gặp là có cơ sở thực tiễn.
"Phần lớn các khó khăn của Vietnam Airliens chủ yếu rơi vào Nghị định 91 và Nghị định 32 hướng dẫn thực hiện của Luật 69, các cơ quan Chính phủ đang nghiên cứu để làm. Chúng ta không ngại thống kê hết khó khăn vướng mắc trong quá trình chuyển đổi để dùng một Nghị định sửa nhiều Nghị định để giải quyết nhanh nhất các vấn đề của Vietnam Airlines", ông Kiên chia sẻ.
Ông Kiên cho rằng kiên trì kiến nghị của Tổ với 3 nhóm vấn đề:
Với Ngân hàng Nhà nước, Tổ tán thành và ủng hộ Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn cho vay bắc cầu với Vietnam Airlines thông qua các tổ chức tín dụng, cho phép tổ chức tín dụng cấp vượt hạn mức với Vietnam Airlines.
Việc phát hành cổ phiếu tăng vốn, nếu Vietnam Airlines lỗ một tháng 1.600 tỷ thì vốn Nhà nước sẽ mất hết, do đó vấn đề tăng vốn vừa là vấn đề cấp bách vừa là vấn đề trung hạn.
Kiến nghị Thủ tướng để Thủ tướng có quyết định về vấn đề khấu hao cơ bản, trả lãi… các chi phí cố định, các giải pháp càng nhanh càng tốt giúp Vietnam Airlines tháo gỡ khó khăn.
Link bài gốc