Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây của Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG), ông Đoàn Văn Hiểu Em, Thành viên HĐQT MWG cho biết chuỗi nhà thuốc An Khang phấn đấu tới tháng 12 sẽ đạt được điểm hoà vốn và sau đó nhân rộng các cửa hàng để gia tăng thêm độ phủ.
Bên cạnh đó, MWG không có ý định thu hẹp hay bán lại chuỗi nhà thuốc này. Trước đây MWG cũng chỉ có kế hoạch tái cấu trúc lại các nhà thuốc, đóng lại những địa điểm không hiệu quả. Ngoài ra, công ty cũng đăng tăng tốc tìm thêm những dược sĩ giỏi để làm nhân sự nòng cốt.
An Khang đã tạm ngưng mở rộng từ cuối năm 2022. Hiện nay An Khang đã có khoảng hơn 500 cửa hàng trên toàn quốc. Lãnh đạo Thế giới di động cho biết, so với các chuỗi bán lẻ thuốc trên thị trường, An Khang có thể đứng thứ ba về số lượng cửa hàng và thứ hai về doanh thu.
"Trong năm 2023, chuỗi nhà thuốc không có kế hoạch mở rộng mà sẽ tập trung tối ưu vận hành về trưng bày, tồn kho, trình độ của dược sĩ, giá cả và các hoạt động thu hút khách hàng", ông Hiểu Em chia sẻ. Theo ông, giá trị lớn nhất của nhà thuốc là chăm sóc sức khỏe của người tiêu dùng.
Đối với một nhà thuốc, ông Hiểu Em cho rằng hai yếu tố quan trọng nhất là thuận tiện và số lượng thuốc đầy đủ. Công ty sẽ không mở một nhà thuốc quá to, chỉ khoảng 30 - 40m2 nhưng vẫn đạt được hai mục tiêu trên.
Cũng theo chia sẻ của ông Hiểu Em, doanh thu của ngành dược tăng liên tục qua các năm, quy mô khoảng 7,1 tỷ USD (169.000 tỷ). Việt Nam được xếp vào một trong đất nước có tăng trưởng cao nhất ở ngành dược. 70% doanh thu đến từ kênh ETC (đấu thầu qua bệnh viện) còn 30% đến từ kênh OTC (bán lẻ).
Hiện nay, Việt Nam có trên 60.000 nhà thuốc truyền thống, chiếm 95% về số lượng và 85% về doanh thu của ngành dược phẩm. Số lượng và doanh thu cửa hàng của An Khang vẫn còn quá nhỏ so với con số trên nên ông Hiểu Em đánh giá dư địa của ngành dược vẫn còn lớn.
Trong cơ cấu doanh thu của An Khang, 60% là thuốc, 40% còn lại thuộc về nhóm bao gồm thực phẩm chức năng, thiết bị y tế. Trong đó, nhóm thực phẩm chức năng có biên lợi nhuận tốt hơn. Trong thời gian tới An Khang sẽ gia tăng thêm tỷ trọng của thuốc.
Còn về chuỗi AVAKids - mô hình startup của MWG bán lẻ đồ trẻ em, ông Hiểu Em cho biết tới đầu năm công ty đã ngừng mở rộng chuỗi. Trong 2023, tương tự An Khang, MWG cũng không có kế hoạch mở rộng chuỗi này và sẽ tập trung vào tối ưu vận hành, trưng bày để gia tăng trải nghiệm mua sắm và đa dạng danh mục sản phẩm.
Luỹ kế 6 tháng, AVAKids đạt khoảng 350 tỷ doanh thu trên 64 cửa hàng. Doanh thu trung bình khoảng 1,2 tỷ đồng/cửa hàng. Dự kiến cuối năm nay sẽ đạt mục tiêu hoà vốn của chuỗi AVAKids. Doanh thu bình quân trên mỗi cửa hàng đạt khoảng 1,45 tỷ là sẽ chạm điểm hoà vốn.
Cuối cùng là về chuỗi Era Blue- chuỗi bán lẻ ICT của MWG tại Indonesia, ông Hiểu Em cho biết chuỗi này hiện đã có 5 cửa hàng. Doanh thu mỗi cửa hàng trong một tháng là khoảng 5 tỷ đồng.
Hiện nay MWG mới mở mô hình mini Era Blue, với diện tích 350-400m2. "Với diện tích như thế này mà đạt doanh thu khoản hơn 5 tỷ đồng là khá cao", ông Hiểu Em cho biết. Doanh thu của chuỗi này cũng liên tục tăng trưởng qua các tháng.
Với chuỗi này, MWG đang đặt mục tiêu tăng số lượng cửa hàng lên con số 30. Ông Hiểu Em đánh giá chuỗi bán lẻ ICT này có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Era Blue cũng có những dịch vụ tốt hơn các nhà bán lẻ ICT khác tại Indonesia.
"Ví dụ về dịch việc nếu người dân Indonesia mua một chiếc máy lạnh tại cửa hàng địa phương, có khi phải 7-10 ngày sau mới được giao đến và lắp đặt. Còn Era Blue sẽ giao đến tay khách và lắp đặt ngay trong ngày", ông Hiểu Em nói. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính giúp chuỗi này được đón nhận tại Indonesia.
Tuy nhiên, việc mở rộng không thể diễn ra nhanh chóng như các chuỗi trong nước vì tìm kiếm mặt bằng rất khó. Mật độ dân số tại đất nước này đông và các nhà ở khá nhỏ. MWG sẽ phải tìm phương thức khác để mở thêm cửa hàng trong thời gian tới. Với số lượng cửa hàng nhỏ thì biên lợi nhuận gộp của Era Blue vẫn còn khiêm tốn.