Theo VentureCap Insights, năm 2022, GPay Network - đơn vị thanh toán GrabPay của Grab ghi nhận khoản lỗ ròng lên tới 34,4 triệu USD. Nguyên nhân là do chi phí hoạt động tăng 33% so với cùng kỳ.
Doanh thu của GPay Network đến từ các hợp đồng với khách hàng, bao gồm dịch vụ hỗ trợ đổi thưởng và dịch vụ xử lý thanh toán.
Trong năm tài chính 2022, phân khúc dựa trên giao dịch (transaction-based segment) của GPay Network vẫn là mảng đóng góp lớn nhất vào tổng doanh thu, mang về doanh thu 58,4 triệu USD cho công ty. Điều này xuất phát từ các khoản phí mà GPay Network tính cho khách hàng và người bán bên thứ ba đối với các giải pháp thanh toán được quản lý của mình.
Thông qua GrabPay, công ty cung cấp dịch vụ thanh toán tại cửa hàng và hỗ trợ mua sắm trực tuyến cũng như thẻ GrabPay do Mastercard cung cấp, cùng nhiều dịch vụ khác.
Theo Tech in Asia, cũng trong năm tài chính 2022, GPay Network đạt doanh thu 14,1 triệu USD từ chương trình khách hàng thân thiết. Công ty tạo ra doanh thu từ chương trình này bằng cách tính một khoản phí cố định khi người dùng chi tiêu số điểm mà họ kiếm được từ việc sử dụng dịch vụ của Grab và mua hàng trực tuyến thông qua GrabPay.
Về công ty mẹ Grab có trụ sở tại Singapore này hiện chưa công bố báo cáo tài chính quý II.
Theo báo cáo tài chính quý I, Grab lỗ ròng 250 triệu USD, thu hẹp 43% so với khoản lỗ 435 triệu USD cùng kỳ năm ngoái. Tổng doanh thu của tập đoàn đạt 525 triệu USD trong ba tháng đầu năm, tăng 130% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu từ hoạt động kinh doanh gọi xe cốt lõi của Grab đã tăng 72% trong quý I so với cùng kỳ năm 2022, lên 194 triệu USD, khi công ty tuyển dụng thêm nhiều tài xế trên toàn khu vực và hưởng lợi từ sự phục hồi nhu cầu của khách du lịch sau đại dịch Covid-19.
Doanh thu từ mảng giao hàng của Grab trong ba tháng đầu năm 2023 đạt 275 triệu USD, tăng 203% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này chủ yếu là do việc mua chuỗi siêu thị cao cấp Jaya Grocer của Malaysia.
Quý I/2023, GMV cho phân khúc này là 2,34 tỷ USD, giảm 9% so với một năm trước, thời điểm nhu cầu đặt hàng về nhà tăng cao bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Siêu ứng dụng Grab duy trì triển vọng hòa vốn ở cấp độ tập đoàn trong quý IV/2023 trên cơ sở EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao) đã điều chỉnh. Tuy nhiên, công ty phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong mảng kinh doanh giao hàng, phân khúc kinh doanh lớn nhất của công ty.