Ngày pháp luật

Thắp sáng “kinh tế du lịch ban đêm”: Doanh nghiệp đang phải tự “bơi” một mình

Phan Mơ

Kinh tế đêm được đánh giá là “mỏ vàng” của du lịch, song các doanh nghiệp (DN) đang khai thác “mỏ vàng” này vẫn phải tự mày mò, bươn chải trong bối cảnh thiếu quy hoạch, hành lang pháp lý…

Thắp sáng “kinh tế du lịch ban đêm”: Doanh nghiệp đang phải tự “bơi” một mình - Ảnh 1
Du khách tham quan chợ đêm Phú Quốc, Kiên Giang. Ảnh minh họa, nguồn TTXVN

Điểm đột phá thúc đẩy du lịch Việt

Được xem là một ngành kinh tế mũi nhọn, theo các chuyên gia, ngành kinh tế không khói này đang phải giải một loạt “bài toán” như: Tại sao trên 80% khách đến Việt Nam không quay lại? Tại sao chi tiêu của du khách chưa vượt quá được 90 USD/ngày? Tại sao chỉ số lưu trú của du khách không vượt 2,6 ngày?

Năm 2017, Việt Nam đón 7,9 triệu khách, tổng thu 7,7 tỷ USD. Qua năm 2018, khách du lịch đến Việt Nam đã lên tới 12,9 triệu khách nhưng tổng thu chỉ 8,8 tỷ USD. Từ trung bình mỗi khách tiêu 925 USD giảm xuống còn 532 USD, tỷ trọng ngành du lịch trên GDP giảm từ 6,6% xuống còn 6%. Ngành du lịch được đánh giá phát triển nhưng các chỉ tiêu chất lượng chưa được tốt. Việt Nam đứng bền vững ở vị trí thứ 10, thua Malaysia, Singapore, Indonesia… 

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Vietravel, du lịch là một trong 3 ngành kinh tế “mũi nhọn”, thế nhưng nhìn vào những ngành không được coi là mũi nhọn như gỗ xuất khẩu 8,9 tỷ USD, chế biến thực phẩm trên 11 tỷ USD thì với 8,8 tỷ USD doanh thu năm 2018 trên 12,9 triệu lượt khách. “Như vậy, ngành du lịch có đúng là “mũi nhọn” hay không khi hụt thu khoảng 3 tỷ USD?” - ông Kỳ đặt vấn đề.

Đại diện DN này cũng cho rằng, kinh tế du lịch ban đêm là điểm đột phá thúc đẩy du lịch Việt Nam giữ lại 3 tỷ USD đã mất đó. “Buổi tối khách cần đi nghe nhạc giao hưởng thì đi chỗ nào? Ẩm thực đang là thế mạnh của Việt Nam nên cần tập trung giải quyết nhu cầu ẩm thực có văn hóa, khách sẵn sàng chi tiêu khi họ cảm thấy thoải mái…” - DN này gợi ý.

Cần thêm cơ chế cho doanh nghiệp

Là đơn vị triển khai chợ đêm ở một số tỉnh thành, ông Huỳnh Văn Sơn - Giám đốc Công ty du lịch Ngôi sao biển Sài Gòn cho biết, khi mới triển khai chợ đêm ở Phú Quốc, người dân ở đây phản ứng. Nhưng khi được thuyết phục về mặt lợi ích, họ đã đồng ý.

Cụ thể, một người dân ở đây cho biết, nếu như trước đây cho thuê nhà 8 triệu/tháng thì sau khi có chợ đêm giá thuê lên 40 triệu đồng/tháng, đó là chưa kể phía trước nhà còn cho 2 xe đẩy thuê bán hàng, mỗi xe 15 triệu đồng/tháng. Tìm hiểu, một xe đẩy bán kẹo chỉ giá 20.000 đồng/cây, mỗi người ăn 2 cây thì mỗi tháng có doanh thu 100 triệu đồng nên giá thuê chỗ 15 triệu đồng/tháng không có gì quá ngạc nhiên. 

Hiện tại, có khoảng 300 hộ bán tại chợ đêm gồm ẩm thực văn hóa địa phương, đặc sản địa phương, đồ lưu niệm và nhu yếu phẩm du lịch. Nguồn thu nhập của người dân ổn định đều đặn, góp phần phát triển kinh tế cho địa phương. Chợ đêm thành điểm đến cho du khách vui chơi, là mỏ vàng cho địa phương.

Tuy nhiên, ông Huỳnh Văn Sơn cũng cho biết, hành trình để thành lập chợ đêm mất khoảng 3 năm và vấp phải không ít khó khăn. Khi đề xuất hình thức này, cơ quan giao thông phản đối đầu tiên. Họ lập luận, quy hoạch con đường là cho giao thông thì làm phố đi bộ làm gì; có đơn vị đề nghị không được sử dụng lòng đường kinh doanh.

“Làm chợ giữa đường đối với cơ quan quản lý địa phương cũng cân não lắm, giao cho DN không đàng hoàng sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh địa phương, thành ra lựa chọn cân lên để xuống mất thời gian”- ông Sơn nói và cho biết, mong mỏi của DN có hành lang chính sách rõ ràng.

“Ví dụ, trước đây Chính phủ có Nghị quyết 90-CP về phương hướng và chủ trương xã hội các hoạt động y tế, giáo dục, vì sao du lịch không có? Kinh tế đêm hiện giờ chỉ có văn bản của Chính phủ, tiếp theo là gì cũng chưa rõ, thành ra DN tự “bơi” là chính, mặc dù đánh giá là “mỏ vàng”. Nếu trong 3 năm đó mà hành lang pháp lý rõ ràng thì chúng tôi làm khoảng chục cái, rất mong những đơn vị làm chính sách du lịch quan tâm hơn để DN đỡ khổ”- đại diện Công ty du lịch Ngôi sao biển Sài Gòn đề nghị.

TS Dương Hùng Sơn, Tổng Giám đốc phía nam Tập đoàn Tuần Châu, cũng cho rằng những nhu cầu văn hóa giải trí ngày và đêm sẽ ngày càng tăng. Tập đoàn này đã hợp tác đầu tư thành công 2 dự án văn hóa để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước là Tinh hoa Bắc bộ tại Hà Nội được CNN bình chọn là điểm đến khi du khách đến thăm Hà Nội; tiếp theo là Ấn tượng Hội An tại Hội An (Quảng Nam) cũng là điểm không thể bỏ qua khi du khách đến tham quan Hội An.

Thực tế, ngay từ những năm 1997, Tập đoàn Tuần Châu đã quyết tâm xây dựng con đường vượt biển tại vịnh Hạ Long và sau đó quyết định xây cảng tàu thủy nội địa và quốc tế. Sau 3 năm, một bến tàu dài hơn 10 km được hình thành và đưa vào sử dụng, có thể cùng lúc chứa được 2.200 tàu đậu và tránh trú bão, mỗi ngày có hơn 1.000 tàu thuyền hoạt động, tạo môi trường kinh doanh cho hơn 1.000 DN, tạo công ăn việc làm cho hơn 11.000 lao động… Thu ngân sách mỗi năm hơn 2.000 tỷ đồng.

Theo đại diện Tập đoàn Tuần Châu, nếu hành lang pháp lý thuận lợi thì tiến độ triển khai sẽ còn nhanh hơn. Nếu có hành lang pháp lý để hỗ trợ nhà đầu tư thì DN sẽ mạnh dạn đầu tư và phát triển nhiều loại hình kinh tế về đêm hơn nữa. 

Tin Cùng Chuyên Mục