Mới đây, nghị quyết về việc thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP HCM đã được chính thức thông qua, và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. TP Thủ Đức rộng trên 211 km2 diện tích tự nhiên với quy mô dân số hơn 1 triệu người.
Thành phố mới là sự sát nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức; có vị trí nằm giáp Quận 1, Quận 4, Quận 7, Quận 12, quận Bình Thạnh, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương.
Tuy nhiên đề cập đến điều kiện để triển khai một “thành phố trong thành phố” đáp ứng kỳ vọng đóng góp vào ngân sách quốc gia không dừng lại ở việc đổi tên quận Thủ Đức sang TP Thủ Đức và sáp nhập hành chính. Theo các chuyên gia trong ngành, bài toán về nguồn lực và năng lực tài chính mới là trọng tâm của quá trình chuyển đổi này.
Có cùng quan điểm này, TS Sử Ngọc Khương, Giám Đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng năng lực đầu tư, triển khai ngân sách, kinh tế đô thị là những thách thức trực tiếp được đặt lên vai các nhà hoạch định và lãnh đạo của đô thị mới.
Theo đó, chỉ khi vấn đề mức sống và việc làm cho cư dân tới sinh sống được giải quyết, không gian đô thị đúng nghĩa mới được hình thành. "Đô thị đó phải giải quyết được bài toán công ăn việc làm, an cư xã hội cũng như đảm bảo được tính liên kết vùng giữa Thủ Đức và các tỉnh lân cận”, ông Khương cho biết.
Tại TP HCM, GDP bình quân đầu người mỗi năm đều rơi vào khoảng 3.000-4.000 USD. Soi chiếu nội dung này tới TP Thủ Đức, những tính toán về con số thu nhập bình quân cũng đặt ra câu hỏi mới.
“Nếu người chồng hoặc người vợ làm việc ở TP HCM, người còn lại làm tại Thủ Đức thì công việc ở đâu ra? Thu nhập như thế nào? Đây chính là bài toán lớn mà khi làm quy hoạch chúng ta phải lưu ý đến, cần phải liên kết đến vấn đề về kinh tế ngoài quốc doanh để thúc đẩy nội lực của Thủ Đức như kỳ vọng của Chính phủ cũng như là các cơ quan ban ngành”, chuyên gia Savills cho biết.
Xét về thị trường bất động sản, ông Khương khẳng định sẽ có những tiêu cực xảy ra trên thị trường. Do đó, việc minh bạch trong ngân sách, triển khai cũng như kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đóng góp nguồn lực, năng lực tài chính vào Thủ Đức rất quan trọng. Đây vừa là thử thách đối với chính quyền của Thủ Đức, đồng thời cũng là của TP HCM.
Trong trường hợp nguồn lực chưa sẵn sàng, việc xây dựng một đô thị như trên là điều còn cần phải cân nhắc. Trên thực tế, khi ngân sách Nhà nước bị giới hạn thì việc hợp tác về công tư, kêu gọi những nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia, thúc đẩy là điều cần thiết.
Chuyên gia này lấy ví dụ về Bình Dương như bài học thành công khi tỉnh này sở hữu nhiều “thành phố trong thành phố” dựa trên khả năng thu hút vốn đầu tư, người dân về sinh sống học tập và làm việc của chính quyền địa phương rất tốt. Ngược lại, dù từng được kỳ vọng là trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội của TP HCM nhưng Thủ Thiêm mất hơn 20 năm mà vẫn chưa hiện thực hóa được.
Về năng lực và triển vọng xây dựng mô hình “thành phố trong thành phố”, ông Khương cho biết đó điều này còn tuỳ thuộc vào quyết tâm theo đuổi của các cơ quan ban ngành trong việc thực thi những chủ trương của Chính phủ đã đề ra.
“Như vậy thì các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước mới có thể thấy được cơ hội để họ đầu tư vào sản xuất, dịch vụ… chứ không đơn thuần chỉ để xây dựng con đường và bán bất động sản, cũng không phải để người dân mua bất động sản để bán lại", ông Khương nhấn mạnh.
Lấy dẫn chứng về những đô thị tại Paris, Vancouver, Tokyo, Seoul… đều được phát triển dựa trên tính kế thừa trong nhiều năm, chuyên gia của Savills khẳng định Thủ Đức cũng sẽ là câu chuyện của nhiều thế hệ. Mỗi nhiệm kỳ lãnh đạo chỉ là 4-5 năm, tính kế thừa để tiếp nối những định hướng của Chính phủ, của những người đi trước sẽ là điều cần thiết trong việc định hướng một thành phố mới như Thủ Đức.