Ngày pháp luật

Tham dự Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết hội nghị lần thứ sáu BCH TW Đảng khóa XIII

Anh Thư, Lê Huy/ Cổng thông tin Bộ Tư pháp

Sáng 5/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc (trực tiếp kết hợp với trực tuyến) nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng – Nhà Quốc hội có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; các Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Trung ương Đảng…

Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Phan Đình Trạc - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương trình bày chuyên đề: "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới".

Đồng chí Phan Đình Trạc cho biết Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đặt mục tiêu: hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả; nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.

10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, Nghị quyết 27-NQ/TW đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, gồm:

Ðẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Tiếp tục đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.

Tiếp tục thực hiện tốt thiết chế Chủ tịch nước theo Hiến pháp.

Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương; xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.
Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tăng cường, chủ động hội nhập quốc tế đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Nguyễn Kim Tinh chủ trì điểm cầu tại Bộ Tư pháp
Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Nguyễn Kim Tinh chủ trì điểm cầu tại Bộ Tư pháp

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc đã phân tích nhiều điểm mới trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trung ương nhấn mạnh yêu cầu về tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hệ thống lý luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, tạo sự thống nhất nhận thức về 8 đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống chính trị. Thể chế hoá đầy đủ và thực hiện đúng đắn, hiệu quả cơ chế Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, nhất là dân chủ ở cơ sở.

Đổi mới cơ chế bầu cử để lựa chọn được những người đại diện cho Nhân dân; nghiên cứu việc bỏ phiếu bầu cử của công dân Việt Nam đang ở nước ngoài, làm rõ những trường hợp không được bầu cử. Cụ thể hoá và xây dựng cơ chế để các chủ thể thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm về Hiến pháp.

Tiếp tục thể chế hoá, cụ thể hoá kịp thời, đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng và quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi để tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, lấy lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Tiếp tục xây dựng Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Đề cao vai trò trung tâm của đại biểu Quốc hội. Gắn trách nhiệm của đại biểu Quốc hội với đơn vị bầu cử và cử tri; đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội. Tiếp tục nghiên cứu để xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội phù hợp với thực tiễn.

Tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước trong vai trò thống lĩnh các lực lượng vũ trang, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, trong hoạt động đối nội, đối ngoại, trong mối quan hệ với Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân theo quy định của Hiến pháp.

Phát huy đầy đủ vị trí, vai trò của Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tổ chức các bộ, các cơ quan chuyên môn đa ngành, đa lĩnh vực; giảm hợp lý số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan chuyên môn thuộc uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện…

Đổi mới mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả tập trung quản lý phát triển, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, hành chính điện tử và chuyển đổi số.

Tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, nghiên cứu thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Xây dựng cơ chế, thể chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH…

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, khoa học, hợp lý, đi đôi với nâng cao trách nhiệm, gắn với bảo đảm nguồn lực, năng lực thực hiện, pháp luật cho các địa phương và các bộ, tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm sự quản lý thống nhất của Chính phủ, phát huy vao trò chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của từng địa phương và các bộ. Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tiếp tục cụ thể hoá phương thức lãnh đạo của Đảng, tăng cường kiểm tra, giám sát việc cụ thể hoá, thể chế hoá và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, khắc phục triệt để tình trạng thực hiện không đầy đủ, không nghiêm, không hiệu quả.

Về tổ chức thực hiện, đồng chí Phan Đình Trạc nêu rõ, Trung ương yêu cầu các tỉnh ủy, thành ủy, ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, nhất là người đứng đầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả; chủ động xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch, có nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình triển khai thực hiện và phân công trách nhiệm cụ thể; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 27, tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.

Chiều 5/12, Hội nghị sẽ nghe đồng chí Trương Thị Mai, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương truyền đạt chuyên đề: "Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới".

Tin Cùng Chuyên Mục