Doanh thu thuần quý III/2022 của THD đạt hơn 765 tỷ đồng, giảm gần 74% so với khoản doanh thu hơn 2.943 tỷ đồng đạt được trong quý III/2021. Trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp của THD đạt hơn 32 tỷ đồng, giảm 78% so với cùng kỳ. Hoạt động tài chính không mấy khởi sắc khi doanh thu giảm 15%, đạt hơn 34,7 tỷ đồng.
Trong quý III, THD đã mạnh tay tiết giảm chi phí. Trong đó chi phí tài chính giảm mạnh nhất ở mức 90,8%, đạt hơn 21 tỷ đồng. Chi phí bán hàng giảm hơn 84%, đạt vỏn vẹn 403 triệu đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 26%, đạt 15,8 tỷ đồng.
Chốt quý, THD báo lãi sau thuế hơn 39 tỷ đồng, giảm 49% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo giải trình, THD cho biết nguyên nhân sụt giảm trong kết quả kinh doanh là do hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong quý III năm ngoái tăng mạnh, bên cạnh đó, trong quý III/2022, doanh nghiệp không phát sinh hoạt động chuyển nhượng dự án như cùng kỳ làm lợi nhuận khác giảm.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của THD lần lượt ghi nhận 3.424 tỷ đồng và 256 tỷ đồng, tương ứng giảm 43% và giảm 46% so với cùng kỳ.
Tính đến cuối quý III, tổng tài sản của THD đạt hơn 8.490 tỷ đồng, giảm 19% so với thời điểm đầu năm. Trong đó lượng tiền và tương đương tiền giảm mạnh 93% từ mức hơn 271 tỷ đồng còn hơn 18 tỷ đồng. Ngược lai, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 41,6% lên hơn 2.746 tỷ đồng.
Đáng chú ý, các khoản đầu tư tài chính dài hạn tăng 57%, từ mức hơn 839 tỷ đồng lên mức hơn 1.317 tỷ đồng. Trong đó, THD đã đầu tư thêm hơn 999 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần Tôn Đản Hà Nội, đầu tư thêm hơn 38 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần Bình Minh Group.
Ngược lại, THD cũng thoái vốn tại Công ty TNHH Đầu tư Thủy điện Quảng Nam thông qua Công ty còn là Công ty Cổ phần Enclave Phú Quốc, đồng thời thoái 16% vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần Đầu tư Thaihomes cho bà Nguyễn Thị Xuân với giá hơn 115 tỷ đồng.
Ngoài ra, THD trong 9 tháng năm 2022 đã đầu tư góp vốn vào công ty TNHH Đầu tư Thương mai và Dịch vụ Bãi Thơm - Phú Quốc (tiền thân là Công ty Thaispace) với tổng số tiền hơn 306 tỷ đồng, nâng tổng số vốn góp lên hơn 386 tỷ đồng. Sau đó, THD đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp trên với giá hơn 489 tỷ đồng.
Sau quá trình cơ cấu, cấu trúc của Thaiholdings hiện đã được tinh gọn lại gồm 3 công ty con là Thaigroup, Du lịch Kim Liên và Enclave Phú Quốc và 3 công ty liên kết gồm Thailand, Tôn Đản Hà Nội và Bình Minh Group.
Trên thị trường, cổ phiếu THD bắt đầu chuỗi lao dốc mạnh kể từ mức đỉnh 277.000 đồng thị giá hồi cuối năm 2021 và hiện đang giao dịch tại mức 39.x đồng (phiên sáng ngày 2/11/2022) - tương ứng giảm tới 86% giá trị chỉ sau 10 tháng giao dịch.
Cùng với đà lao dốc này, thanh khoản cổ phiếu cũng giảm mạnh và nhiều phiên trở lại đây chỉ khớp lệnh dưới 10.000 đơn vị/phiên.
Trong một diễn biến khác có liên quan, ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) - em trai Chủ tịch HĐQT Thaiholdings Nguyễn Văn Thuyết hồi giữa tháng 6 vừa qua đã hoàn tất bán toàn bộ 87,4 triệu cổ phiếu THD (tương đương 25% vốn công ty) theo phương thức thỏa thuận trong ngày 13/6. Sau giao dịch, ông Thụy không còn là cổ đông tại doanh nghiệp mà mình sáng lập.
Tại thời điểm ông Thụy "thoát hàng", cổ phiếu THD đóng cửa tại mức 38.400 đồng. Tạm tính tại mức giá này, cựu Chủ tịch THD đã thu về hơn 3.350 tỷ đồng; ước tính ông Thụy đã hụt thu khoảng 20.850 tỷ đồng nếu bán tại mức giá đỉnh 277.000 đồng/cổ phiếu.
Ông Nguyễn Đức Thụy thôi chức Chủ tịch HĐQT Thaiholdings từ ngày 29/2/2020 và hiện giữ vai trò là người sáng lập tại công ty này. Hiện cá nhân ông Thụy đang là Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank (Mã LPB - HOSE) với tỷ lệ sở hữu 3,45% vốn tại ngân hàng này.
Giá cổ phiếu THD, sự lao dốc mạnh sau 1 năm rưới bứt tốc khiến giấc mơ bay vào vũ trụ của cha con ông Nguyễn Đức Thụy đổ bể.
Được biết ngày 29/12/2021, HĐQT Công ty cổ phần Thaiholdings đã thông qua việc góp vốn thành lập Công ty cổ phần Thaispace, doanh nghiệp có vốn điều lệ lên tới 26.688 tỷ đồng, trụ sở đặt tại Phú Quốc, Kiên Giang. Theo ghi nhận, phần góp vốn của Thaiholdings là 1.334,4 tỷ đồng - tương ứng 5%. Bên cạnh đó, Bầu Thụy góp tới 75% vốn - tương đương 20.016 tỷ đồng vào Thaispace.
Ngày 13/5/2022, vốn điều lệ của Thaispace giảm mạnh từ 26.688 tỷ đồng xuống còn 2.275 tỷ đồng, tức chưa tới 1/10 vốn điều lệ công bố ban đầu. Đáng nói, đây là thời điểm cổ phiếu THD đã lao dốc mạnh và phần giá trị tài sản theo vốn hóa của ông Nguyễn Đức Thụy đã giảm hơn 16.800 tỷ đồng (phiên 13/5 cổ phiếu THD còn 84.x đồng) - đây có thể chính là nguyên nhân khiến "quả bóng" vốn điều lệ (danh nghĩa) của Thaispace xì hơi mạnh qua đó trực tiếp dẫn đến sự rời đi của các cổ đông.
Bên cạnh động thái giảm vốn, Thaispace cũng công bố chuyển loại hình doanh nghiệp từ công ty cổ phần sang công ty trách nhiệm hữu hạn.
Đến ngày 14/6, Công ty TNHH Thaispace một lần nữa đổi tên thành Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Bãi Thơm – Phú Quốc với nguồn vốn điều lệ không đổi.
THD chỉ còn nắm giữ 9,25% vốn điều lệ của Bãi Thơm - Phú Quốc và từng đặt mục tiêu sẽ hoàn tất việc chuyển nhượng vốn trong quý 3/2022.
Những biến cố trên thị trường chứng khoán từ đầu năm 2022 cộng với việc việc phải hoàn trả hơn 840 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế liên quan đến vụ Tân Hoàng Minh đã nhấn chìm cổ phiếu THD chỉ sau chưa đầy 2 năm phất cờ.
Kể từ mức lãi hơn 680 tỷ hồi quý IV/2021, lợi nhuận sau thuế của THD đã liên tục "bốc hơi" dần đều qua các quý sau đó.
Ghi nhận tại thuyết minh doanh quý quý III/2022 của Thaiholdings, hiện công ty này vẫn chưa ghi nhận khoản thu từ thoái số vốn còn lại tại Thaispaces.
Một số ý kiến kỳ vọng nếu thương vụ này hoàn thành trong quý IV năm nay, rất có thể kịch bản về bức tranh kinh doanh "thất thường" trong 3 quý đầu năm và lãi đậm từ thoái vốn cổ phần trong quý 4 tại doanh nghiệp xây dựng này có thể sẽ lặp lại.