Cải thiện môi trường…
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên: Từ tháng 10/2020 đến nay, tỉnh đã thực hiện cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 26 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 755,6 triệu USD. Trong đó, số dự án trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là 21 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 713 triệu USD, chiếm 80,8% về số dự án và 94,4% về tổng vốn đầu tư đăng ký.
Trong số các nhà đầu tư (NĐT) được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Singapore là quốc gia có vốn đầu tư đăng ký lớn nhất với 245 triệu USD 04 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Số lượng dự án thực hiện tăng vốn đầu tư là 34 lượt với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm là 1.337,3 triệu USD. Trong đó các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc có 24 lượt dự án tăng vốn với tổng số vốn đầu tư đăng ký tăng thêm là 1.235,4 triệu USD, đều thuộc về các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Số NĐT được chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp là 10 với tổng giá trị vốn góp theo vốn điều lệ là 826,5 tỷ đồng.
Như vậy, tổng vốn FDI thu hút được sau gần 02 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 là trên 2.128 triệu USD, tương đương gần 50.000 tỷ đồng. Có được những kết quả trên, theo đánh giá của lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên: Là nhờ sự nỗ lực, quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị tỉnh, từ các Sở, ban ngành địa phương đến Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đồng thời cũng thể hiện hướng đi đúng đắn của địa phương trong cải thiện môi trường đầu tư, tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tỉnh Thái Nguyên.
Trong bối cảnh hậu Covid-19 với rất nhiều khó khăn, thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp, cũng như tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, ngoài các chính sách của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn của dịch bệnh, để đồng hành và tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm thiểu tác động của đại dịch, Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, mang ý nghĩa thiết thực như: Triển khai tiêm vắc xin cho chuyên gia và công nhân của các doanh nghiệp FDI; Với các dự án lớn đang tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh, tỉnh giao nhiệm vụ cho các ngành hỗ trợ giải đáp và hướng dẫn các NĐT, định kỳ báo cáo UBND tỉnh; Với các dự án đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh, thông qua các cuộc họp trực tuyến, trực tiếp, tỉnh ghi nhận và xử lý kịp thời các đề xuất, kiến nghị của NĐT trong quá trình triển khai các dự án trên địa bàn. Nhờ đó, có nhiều dự án FDI tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất sau một thời gian triển khai dự án trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, tỉnh tập trung các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu phục vụ thu hút đầu tư của tỉnh, trong đó trọng tâm là hạ tầng về giao thông, các khu, cụm công nghiệp, điện, hạ tầng xã hội quanh các KCN. Trong kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, tỉnh Thái Nguyên bố trí trên 520 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương (vốn trong nước), nguồn vốn ngân sách địa phương (bao gồm cả nguồn vốn thu tiền sử dụng đất do cấp tỉnh quản lý) để đầu tư cho hệ thống giao thông của tỉnh.
Củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư!
Để tăng cường thu hút đầu tư FDI trong thời gian tới, lãnh đạo các Sở, ban ngành tỉnh Thái Nguyên thống nhất: Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, quyết định của tỉnh đã ban hành có liên quan đến thu hút đầu tư nước ngoài vào tỉnh (Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/3/2020 của Tỉnh ủy về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Kế hoạch số 157-KH/TU ngày 29/10/2019 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả, hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; Quyết định số 3656/QĐ/UBND ngày 17/11/2020 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 của Chính phủ và Kế hoạch số 157-KH/TU ngày 29/10/2019 của Tỉnh ủy Thái Nguyên về việc thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030);
Các huyện, thành phố, thị xã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo an ninh, trật tự tại các khu, cụm công nghiệp nơi tập trung nhiều NĐT nước ngoài; Tập trung các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu phục vụ thu hút đầu tư của tỉnh, trong đó trọng tâm là hạ tầng về giao thông, các khu, cụm công nghiệp, điện, hạ tầng xã hội quanh các KCN;
Nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thị trường và đối tác đầu tư; Xây dựng tài liệu, cơ sở dữ liệu phục vụ xúc tiến đầu tư; Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách đầu tư. Đặc biệt, chủ động nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các NĐT nhằm kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của NĐT, tạo lập và củng cố lòng tin cho các NĐT đã và đang thực hiện dự án đầu tư tại tỉnh.
Về giao thông: Trong kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, tỉnh Thái Nguyên bố trí trên 1.520 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương (vốn trong nước), nguồn vốn ngân sách địa phương (bao gồm cả nguồn vốn thu tiền sử dụng đất do cấp tỉnh quản lý) để đầu tư cho hệ thống giao thông của tỉnh. Riêng tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc được bố trí 1.125 tỷ đồng để hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng giai đoạn 2021 – 2025.