Gần một tháng sau khi chào sàn, cổ phiếu THD của Công ty cổ phần Thaiholdings ghi nhận liên tiếp các phiên tăng trần. Từ mức giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 15.000 đồng/cổ phiếu, liên tục tăng trần 14 phiên, kết thúc phiên giao dịch 15/7, giá của THD hiện ở mức 95.000 đồng, tức là gấp hơn 6 lần so với phiên chào sàn cách đây gần một tháng.
Cách đây một tuần, Thaiholdings thông qua phương án phát hành 296,1 triệu cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ. Số tiền huy động được sẽ được dùng để mua 59% cổ phần của Thaigroup với giá mua tối đa 20.000 đồng/cổ phiếu. Kế hoạch này từng được đề cập đến cáo bạch niêm yết của doanh nghiệp.
Thaiholdings vốn dĩ là một công ty con thuộc hệ sinh thái của Thaigroup - doanh nghiệp tiền thân là Tập đoàn Xuân Thành. Công ty này được biết đến là công ty gia đình của ông bầu Nguyễn Đức Thuỵ. Cách đây chưa lâu, Thaigroup thoái vốn khỏi Thaiholdings, đồng thời chuyển nhượng 10,12 triệu cổ phiếu THD cho ông Thụy, ông Nguyễn Chí Kiên và ông Vũ Ngọc Định với cùng mức giá 10.000 đồng/cổ phần. Sau giao dịch, ông Thuỵ hiện là cổ đông lớn duy nhất nắm giữ 20% cổ phần Thaiholdings.
Nếu thương vụ mua 66% cổ phần được hoàn tất, Thaiholdings sẽ "đổi vai" từ vị thế công ty con chuyển thành công ty mẹ của Thaigroup. Thương vụ cho thấy bước chuyển mình từ mô hình công ty gia đình sang mô hình "holding" của doanh nghiệp này, theo kế hoạch lãnh đạo doanh nghiệp đặt ra năm 2019. Đặc thù của mô hình holding là công ty mẹ sẽ không trực tiếp tham gia sản xuất kinh doanh tại công ty con mà chỉ đóng vai trò là cổ đông lớn, thiên về đầu tư chứ không can thiệp quá sâu vào hoạt động của công ty con. Đây là mô hình hoạt động của các tập đoàn lớn tại Việt Nam. Các doanh nghiệp theo đuổi mô hình thường sẽ hướng tới hoạt động đầu tư đa ngành.
Trong cáo bạch niêm yết, Thaiholdings nêu kế hoạch năm 2020, ngoài mua cổ phần Thaigroup, doanh nghiệp còn dự định mua 40% cổ phần Bảo hiểm Xuân Thành. Tham vọng của doanh nghiệp cũng khá lớn khi lãnh đạo công ty nêu trong cáo bạch ngoài việc mở rộng quy mô vào dự án cải tổ, xây dựng lại Khách sạn Kim Liên còn đầu tư vào đơn vị chủ quản của các dự án bất động sản đắc địa, gồm Thaigroup và một số dự án đất nền quanh khu vực Hà Nội.
Để theo đuổi mô hình này, trong một năm gần đây, Thaiholdings đã tăng vốn khá nhanh. Từ mức vốn thực góp khi gần 137 tỷ đồng, công ty thực hiện góp vào đầy đủ vốn theo số vốn điều lệ (389 tỷ đồng) vào tháng 4/2019 và tiếp tục tăng vốn lên 539 tỷ đồng hiện nay. Số vốn tăng lên phần lớn được sử dụng để đầu tư mua cổ phần của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên bầu Thuỵ hướng đến mô hình kinh doanh đa ngành. Trước đó, ông từng biết đến khi chi hàng trăm tỷ đồng để thâu tóm 81,5% cổ phần Công ty Chứng khoán VIX (sau này đổi tên là Chứng khoán Xuân Thành) hay chi khoảng 1.000 tỷ đồng, cao gấp gần 10 lần giá chào bán của SCIC để sở hữu 52,4% cổ phần tại Công ty Du lịch Kim Liên (đơn vị sở hữu Khách sạn Kim Liên). Việc mua lại VIX đã giúp đại gia đất Ninh Bình lần đầu gia nhập hàng ngũ những đại gia chứng khoán. Tuy vậy, hoạt động của Chứng khoán Xuân Thành dưới thời Chủ tịch Thụy cũng không được thuận buồm xuôi gió. Năm 2012, công ty này lỗ 51 tỷ đồng, sau khi chỉ lãi 6,5 tỷ đồng năm 2011. 2 năm sau, bầu Thụy nhượng lại toàn bộ cổ phần công ty này cho nhà đầu tư khác và rút lui khỏi thị trường chứng khoán.
Việc kinh doanh tại dự án khu phức hợp Kim Liên cũng gặp không ít trắc trở. Dùng danh nghĩa Thaigroup, từ năm 2016, bầu Thuỵ đã chi cả nghìn tỷ đồng để mua cổ phần để mua cổ phần đơn vị sở hữu khách sạn có lô đất đắc địa bậc nhất Hà Nội. Khi mua cổ phần khách sạn Kim Liên, ông Thuỵ từng đặt mục tiêu triển khai dự án Khu phức hợp 5 sao với tổng chi phí dự kiến khoảng 14.287 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tại Du lịch Kim Liên một thực tế duy trì nhiều năm qua là sự bất đồng trong ý chí của các cổ đông. Tất cả các tờ trình lấy ý kiến cổ đông đều được thông qua nhưng tỷ lệ tán thành thường chỉ hơn 82%. Thậm chí, gần đây nhất, phương án tăng vốn từ 70 tỷ đồng lên 2.768 tỷ đồng để đảm bảo nguồn vốn đối ứng cho việc triển khai dự án trên đã không được các cổ đông thông qua với lý do "không khả thi". PTFinance - một trong số các cổ đông ngoài nhóm Thaigroup năm 2019 từng lên kế hoạch đấu giá phần vốn nắm giữ tại Du lịch Kim Liên. Tuy nhiên kế hoạch này chưa thể thực hiện vì cuối năm 2019 vì mức giá khởi điểm của mỗi cổ phần tại công ty này lên tới 300.000 đồng.
Liên quan đến dự án này HĐQT Thaiholdings vừa thông qua việc ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty cổ phần Du lịch Kim Liên để triển khai dự án khách sạn Kim Liên.
Ông Thuỵ cũng được biết đến với một số ý tưởng đầu tư khá “phiêu lưu” từng gây ồn ào và nhiều ý kiến trái chiều trên thị trường. Một công ty thành viên của Thaigroup từng đưa ra đề xuất triển khai dự án Giao thông đường thuỷ xuyên Á và thuỷ điện trên sông Hồng. Theo đề xuất, dự án nhằm tạo một tuyến giao thông từ biên giới phía Bắc qua Hà Nội, xuôi xuống các tỉnh vùng biển. Kế hoạch này còn bao gồm việc nạo vét 288 km đường sông và kết hợp làm thủy điện.
Có tham vọng lớn ở nhiều lĩnh vực song những năm gần đây, lợi nhuận của Thaiholdings chủ yếu đến từ ngành kinh doanh thương mại vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng nhận định ngành này không đem lại giá trị cao, biên lợi nhuận thấp và không thể phát triển bền vững trong dài hạn. Do đó, định hướng của công ty là chuyển dần sang trở thành công ty đầu tư, tập trung vào lĩnh vực khách sạn, du lịch và dự án bất động sản.
Ở lĩnh vực bất động sản, Thaiholdings chưa có dự án nào ghi dấu ấn. Ngoài Công ty Du lịch Kim Liên với dự án gặp nhiều trở ngại trong quá trình triển khai trong suốt mấy năm qua, Thaiholdings còn đang đầu tư tài chính vào Công ty Tôn Đản – doanh nghiệp sở hữu tòa nhà Thaiholdings Tower.
Với việc mua cổ phần Thaigroup, Thaiholdings sẽ sở hữu dự án Tổ hợp khu nghỉ dưỡng 5 sao Enclave Phú Quốc. Đây là dự án quy mô tại 350ha, tại Hòn Thơm, Phú Quốc đã triển khai nhiều năm song hiện vẫn trong giai đoạn xin cấp phép. Trong báo bạch, Thaiholdings chia sẻ kế hoạch triển khai dự án với tổng mức đầu tư khoảng 9.800 tỷ đồng, trong đó đơn vị này sẽ đầu tư khoảng 40-80% tổng mức vốn đối ứng. Tuy nhiên, báo cáo tài chính năm 2019 cho thấy, dòng tiền của Thaiholding không mấy dồi dào. Các tài sản có tính thanh khoản cao như tiền, tương đương tiền chỉ trị giá hơn 10 tỷ đồng, một con số khá eo hẹp trong khối tài sản 850 tỷ đồng.
Với lĩnh vực cho thuê bất động sản, Thaiholdings đang áp dụng mô hình đi thuê và cho thuê lại tại 17 Tông Đản và 2B Lê Phụng Hiểu (Hà Nội). Đây là những địa điểm tại trung tâm thành phố, thuộc phân khúc cao cấp, do đó có mức độ nhạy cảm tương đối lớn với sự biến động của nền kinh tế. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, các đối tác thuê địa điểm có thể phải cắt giảm chi phí bằng cách chuyển địa điểm kinh doanh tới những khu vực có giá cả phù hợp hơn, khiến doanh nghiệp bị mất nguồn thu từ hoạt động cho thuê này. Lĩnh vực kinh doanh thương mại thực phẩm cũng được đề cập tới trong bản kế hoạch phát triển của Thaiholdings, tuy nhiên, đơn vị tư vấn cũng đánh giá vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức do công ty mới tham gia thị trường.