Ngày pháp luật

Tencent đẩy mạnh mảng video ngắn để cạnh tranh với công ty mẹ TikTok

Kim Dung

"Ông lớn" Tencent đang tìm cách đẩy lùi các nền tảng đối thủ và cố gắng đảo ngược tốc độ tăng trưởng chậm lại của các mảng kinh doanh khác.

Theo Asia Nikkei"gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc Tencent Holdings sẽ tăng cường phát triển mảng video ngắn chức năng Channels được nhúng trong siêu ứng dụng WeChat. Bản thử nghiệm nội bộ của Channels được ra mắt từ ba năm trước. Tập đoàn này đang tìm cách đẩy lùi các nền tảng đối thủ và cố gắng đảo ngược tốc độ tăng trưởng chậm lại của mảng kinh doanh khác.

Trong một sự kiện thường niên của WeChat diễn ra vào ngày 10/1, đại diện của ứng dụng phổ biến nhất Trung Quốc cho biết trong năm 2022 Channels đã tăng trưởng đáng kể, với tổng lượt xem tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lượt xem video dựa trên đề xuất của AI cũng tăng hơn 400%. Con số cụ thể không được công bố.

Báo cáo hoạt động kinh doanh của WeChat cũng cho thấy số lượng người dùng hàng ngày đã tăng hơn 100% trong năm qua.

Hiện nay, siêu ứng dụng này có hơn 1 tỷ người dùng đang hoạt động. Đây chính là tài nguyên màu mỡ được "ông lớn" Tencent tận dụng trong những năm tiếp theo.

Tencent đẩy mạnh mảng video ngắn để cạnh tranh với công ty mẹ TikTok
Tencent đẩy mạnh mảng video ngắn để cạnh tranh với công ty mẹ TikTok

Hoạt động livestream thương mại điện tử trên Channels cũng tăng trưởng nhanh chóng trong năm qua, với tổng giá trị hàng hóa (GMV - thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực thương mại điện tử tương tự chỉ số doanh thu), tăng hơn 800% từ năm 2021 với giá trị giao dịch trung bình hơn 200 NDT (29,5 USD).

Tencent cũng thông báo tập đoàn sẽ sớm tung ra các chương trình khuyến khích cho người bán. Trong đó có chương trình Video Accounts giúp tăng thêm lưu lượng truy cập để thúc đẩy các thương hiệu mở cửa hàng trên Channels.

Channels đã không tiết lộ chi tiết GMV thông qua live stream thương mại điện tử trong năm 2022. Tuy nhiên, các hãng tin trong nước cho biết GMV của Channels có thể gần bằng với GMV của đối thủ Douyin (TikTok bản Trung Quốc) thuộc sở hữu của công ty ByteDance.

Báo cáo của tờ The Late Post cho thấy, giá trị giao dịch hàng ngày từ quảng cáo bán hàng trực tuyến trên Channels lần đầu tiên đạt mốc hơn 100 triệu NDT vào tháng 9/2022. Trong khi đó, vào ngày 9/1, The Information của Mỹ đưa tin, người tiêu dùng Trung Quốc đã chi 1.410 tỷ NDT (208 tỷ USD) để mua sắm trên Douyin trong năm 2022, tăng 76% so với cùng kỳ năm trước.

Channels mang tiềm năng lớn để trở thành mảng kinh doanh có "giá trị chiến lược" đối với Tencent. Tờ The Information cho rằng, chức năng video ngắn sẽ giúp công ty kiếm thêm một khoản từ hoạt động quảng cáo và có thêm nhiều cơ hội phát triển thị trường thương mại điện tử.

Năm ngoái, các CEO cấp cao của Tencent từng chia sẻ, tập đoàn sẽ mở rộng thêm nguồn doanh thu mới bằng cách tăng tốc thúc đẩy thương mại hóa Channels khi ngày càng nhiều nhãn hàng chuyển sang quảng cáo trên nền tảng phát video ngắn.

Không chỉ có Chanels, các nền tảng chia sẻ video khác như Douyin, Kuaishou và Bilibili đều ghi nhận doanh thu quảng cáo tăng trưởng trong năm 2022 bất chấp nền kinh tế đang chậm lại. 

Để tăng mức độ phổ biến của Channels, Tencent đã tổ chức nhiều buổi phát trực tuyến với sự góp mặt của các ngôi sao nổi tiếng như ca sĩ Châu Kiệt Luân và ban nhạc Westlife. Mỗi buổi phát trực tuyến đã thu hút hàng chục triệu lượt xem.

Hiện nay, Tencent là nhà phát hành trò chơi điện tử lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, tăng trưởng doanh thu của Tencent đã chậm lại kể từ năm 2021. Doanh thu từ mảng game nội địa giảm 7% trong quý III/2022 do những quy định siết chặt đối với các công ty công nghệ hàng đầu tại Trung Quốc.

Vậy nên song song với kế hoạch đẩy mạnh phát triển Channels, Tencent đã tiến hành cắt giảm hơn 10 mảng kinh doanh "ít giá trị chiến lược" hoặc thua lỗ trong năm qua. Trong ba quý đầu năm 2022, tổng lực lượng lao động của tập đoàn đã giảm 4.000 người, tương đương 3,5%.

Tin Cùng Chuyên Mục