Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã ck: HSG) mới đây công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên dự kiến diễn ra vào ngày 18/3/2024 tới tại TP. HCM.
Trong tài liệu đại hội vừa được công bố, chương trình họp sẽ gồm các nội dung chính: Kết quả hoạt động kinh doanh năm tài chính 2023; định hướng hoạt động trong năm tài chính 2024 và các vấn đề liên quan đến chiến lược tái cấu trúc.
Đặt mục tiêu lãi sau thuế 400 tỷ đồng trong niên độ tài chính 2023 - 2024
Trong niên độ tài chính 2023-2024 (tính từ ngày 1/10/2023 đến ngày 30/9/2024), Tập đoàn Hoa Sen đặt kế hoạch kinh doanh với hai kịch bản.
Trong đó, kịch bản 1 với sản lượng tiêu thụ 1.625 nghìn tấn, tăng 13,3% so với cùng kỳ. Doanh thu dự kiến đạt 34.000 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 400 tỷ đồng, tăng 12,33 lần so với thực hiện trong niên độ 2022-2023.
Kịch bản 2, tổng sản lượng tiêu thụ ước tính 1.730 nghìn tấn, tăng 20,7% so với cùng kỳ. Doanh thu ước tính 36.000 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ, và lợi nhuận sau thuế dự kiến 500 tỷ đồng, tăng 15,67 lần so với thực hiện trong niên độ 2022-2023.
“Kịch bản thị trường cho niên độ tài chính 2023 - 2024 và nhiệm kỳ 2024 - 2029 vẫn khó lường và tiềm ẩn nhiều biến động. Tuy nhiên, trong thử thách sẽ mở ra cơ hội”, tài liệu báo cáo của Hội đồng quản trị cho hay.
Tiếp tục tái cấu trúc để sớm niêm yết Công ty cổ phần Nhựa Hoa Sen
Trong Đại hội sắp tới, Tập đoàn Hoa Sen trình cổ đông thông qua chủ trương tái cấu trúc, chuyên môn hoá mảng sản xuất kinh doanh ống thép.
Trong đó, Công ty cổ phần Nhựa Hoa Sen sau khi nhận chuyển giao mảng sản xuất kinh doanh nhựa đã đi vào hoạt động hiệu quả, cho thấy tính chủ động cao trong công tác quản trị - điều hành đối với mảng sản xuất kinh doanh nhựa.
Tương lai, Công ty cổ phần Nhựa Hoa Sen sẽ phát hành cổ phiếu ra công chúng và niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch Chứng khoán.
Chính vì vậy, Tập đoàn Hoa Sen trình cổ đông xem xét chuyển đổi Công ty TNHH MTV Hoa Sen Phú Mỹ sẽ chuyển đổi thành Công ty cổ phần Ống thép Hoa Sen do Tập đoàn Hoa Sen sở hữu 99% vốn điều lệ, đơn vị sẽ tiếp nhận toàn bộ hạ tầng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh ống thép, thời gian và lộ trình triển khai dự kiến từ 1 đến 5 năm.
Công ty Ống thép Hoa Sen sẽ tiếp nhận toàn bộ hạ tầng phục vụ hoạt động SXKD ống thép (đất đai, nhà xưởng, máy móc thiết bị, dây chuyền...) và trở thành đơn vị chủ quản trong Mảng sản xuất kinh doanh ống thép. Sau khi Công ty Ống thép Hoa Sen đi vào hoạt động ổn định, nếu điều kiện thuận lợi, Hoa Sen sẽ xây dựng phương án IPO và niêm yết cổ phiếu của đơn vị này.
Trong chiến lược 2024 - 2029, Hoa Sen xem xét mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh sang các lĩnh vực như: Cơ khí (chính xác và chế tạo); công nghệ bán dẫn; bất động sản (văn phòng, nhà ở, khu dân cư, đô thị); giáo dục, đào tạo; chăm sóc sức khỏe; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; đầu tư tài chính; M&A; văn hóa; nghệ thuật, biểu diễn, tổ chức sự kiện…
Lãi sau thuế 103,3 tỷ đồng quý I niên độ tài chính 2023-2024
Báo cáo tài chính quý I của niên độ tài chính 2023-2024 (tính từ 1/10/2023 - 31/12/2023) của Tập đoàn Hoa Sen ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng đạt 9.073 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ niên độ trước.
Giá vốn bán hàng tăng chậm với mức chênh lệch khoảng 4,7% lên mức 8.123 tỷ đồng, qua đó giúp đưa lợi nhuận gộp tăng từ gần 160 tỷ đồng lên 949,6 tỷ đồng.
Cùng với đó, doanh thu hoạt động tài chính tăng 36,5% lên 43,7 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính giảm 56,4% so với cùng kỳ năm trước, lùi về 49,5 tỷ đồng.
Điểm trừ là các khoản chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều tăng so với cùng kỳ, đáng chú ý nhất là chi phí bán hàng tăng lên gần 735 tỷ đồng.
Kết quả là, 'ông vua' tôn mạ lãi sau thuế 103,3 tỷ đồng trong quý I niên độ tài chính 2023-2024, trong khi cùng kỳ lỗ nặng 680,2 tỷ đồng. Quý báo lãi trên trăm tỷ này lại tiếp nối đà hồi phục của Hoa Sen kể từ đầu năm 2023.
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của HSG đạt 18.798 tỷ đồng, tăng 8,2% so với đầu kỳ. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền tăng gấp 2,8 lần lên 1.685,5 tỷ đồng.
Trên bảng cân đối kế toán, Hoa Sen nắm giữ 12.957 tỷ đồng tài sản ngắn hạn tại cuối năm 2023, tăng gần 2.000 tỷ so với đầu kỳ (ngày 01/10/2023). Đáng chú ý, hàng tồn kho tăng 5,2% lên 8.025 tỷ đồng.
Xây dựng cơ bản dở dang tăng nhẹ lên 537,4 tỷ đồng, trong đó phần lớn tại Dự án Khách sạn Yên Bái với 385,8 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ phải trả của Tập đoàn Hoa Sen đã tăng 20,3%, lên mức 7.927,8 tỷ đồng, chiếm 42% tổng nguồn vốn. Trong đó, riêng dư nợ vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng gần 60%, đạt 4.684 tỷ đồng.