Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã CK: FLC) công bố báo cáo tài chính quý II với doanh thu thuần 1.722 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán bao gồm chi phí nhân công, thuê tàu bay, nhiên liệu, thuê văn phòng, căn hộ... ở mức 2.464 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận gộp bị âm 742 tỷ đồng trong quý.
Khoản doanh thu tài chính cũng ghi nhận mức giảm mạnh tới 60%. Dù FLC đã tiết giảm các khoản chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp vẫn lỗ thuần 840 tỷ đồng trong quý. Kết quả, riêng quý II, FLC lỗ sau thuế 838 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 16 tỷ đồng. Theo giải trình, Tập đoàn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Cùng với khoản lỗ của quý I, luỹ kế 6 tháng đầu năm, FLC lỗ 2.729 tỷ đồng sau thuế. Tại đại hội cổ đông FLC diễn ra hồi tháng 6, FLC đặt mục tiêu năm nay sẽ lỗ 1.957 tỷ đồng. Tập đoàn này vẫn coi bất động sản là ngành kinh doanh cốt lõi, đồng thời kỳ vọng mảng này sẽ sinh lời trong năm 2020. Tuy nhiên, hiện sau nửa năm, con số lỗ đã lớn hơn kế hoạch là 772 tỷ đồng.
Về nợ vay, FLC đang có tổng nợ phải trả tính đến cuối quý II/2020 là 23.907 tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn ngắn hạn là 3.478 tỷ đồng.
FLC đang vay tiền từ hàng chục tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, trong đó nhiều nhất là khoản vay dài hạn từ ngân hàng BIDV (1.497 tỷ đồng). Đầu năm 2020, FLC vẫn đang nợ Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Ngân hàng Công Thương Trung Quốc lần lượt 60 tỷ đồng và 107,2 tỷ đồng. Tuy nhiên đến ngày 30/6, báo cáo tài chính không còn ghi nhận hai khoản nợ trên. Tập đoàn còn vay tiền từ một ngân hàng ngoại khác là Credit Suisse AG, chi nhánh Singapore, dự nợ đến hạn trả tại ngày 30/6 được ghi nhận là 305 tỷ đồng. Ngoài ra, FLC có 298 tỷ đồng liên quan đến trái phiếu đến hạn trả.
Giá trị hàng tồn kho ghi nhận 3.488 tỷ đồng tính đến cuối quý II, gấp 2,2 lần so với đầu năm. Tồn kho hàng hóa bất động sản ở mức 2.809 tỷ đồng, chiếm tới 80%. Báo cáo tài chính cũng cho thấy hạng mục chứng khoán kinh doanh có sự biến động rõ rệt, với việc ghi nhận 2.781 tỷ đồng, gấp 16 lần so với đầu năm (174 tỷ đồng). Tuy nhiên, FLC không thuyết minh chi tiết khoản này.
Liên quan tới nhân sự cấp cao, mới đây FLC đã thông tin về việc bổ nhiệm bà Đặng Thị Lưu Vân, Trưởng ban Tài chính giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc Tập đoàn. Người tiền nhiệm của bà Vân là ông Lê Thành Vinh trước đó đã có đơn xin từ nhiệm vì lý do cá nhân.