Chủ tịch mất 700 triệu đô
Theo thống kê mới đây nhất của Forbes, tổng tài sản của ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank – mã: TCB) đang ở mức 1,7 tỷ USD, xếp hạng thứ 1757 trong top những người giàu nhất thế giới. Như vậy, tỷ phú này đã bị giảm gần hơn 400 hạng so với thời điểm gần cuối năm 2022. Cụ thể vào tháng 9/2022, tài sản của ông Hồ Hùng Anh khoảng 2,3 tỷ USD, xếp hạng 1341 trên thế giới, xếp thứ 5 tại Việt Nam.
Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do diễn biến xấu của thị trường chứng khoán khiến cổ phiếu của TCB giảm mạnh, từ đỉnh 12 tháng là 53.700 đồng/cổ phiếu (phiên ngày 7/2/2022), đến hiện tại là 27.400 đồng/cổ phiếu (phiên ngày 7/2/2023).
Trái ngược với sự sụt giảm của cổ phiếu, theo BCTC năm 2022 của TCB, ngân hàng này đã kết thúc một năm với mức lợi nhuận đạt trên 20.400 tỷ đồng (năm 2021 là khoảng 18.400 tỷ đồng). Đưa tổng tài sản của ngân hàng này tăng lên sát mức 700.000 tỷ đồng.
Có lẽ vì lý do đó mà trong năm 2022, TCB cũng đã chi hơn 6.515 tỷ đồng để trả lương, phụ cấp và thu nhập khác cho nhân viên trên toàn hệ thống, cao hơn gần 200 tỷ so với năm 2021 (6.365 tỷ đồng). Như vậy mỗi lao động tại Techcombank có thu nhập bình quân là 44 triệu đồng/tháng, tương đương 528 triệu đồng trên tổng cả năm 2022, tăng 2,5% so với năm trước đó, đây là mức cao nhất trong hệ thống các ngân hàng tại Việt Nam.
Vẫn còn nhiều bất ổn
Tuy có một năm làm ăn thành công, nhưng nhìn vào BCTC Quý IV của TCB vẫn cho thấy có nhiều sự bất ổn. Cụ thể tính tới cuối năm 2022, tổng tiền gửi tại Techcombank là 358.400 tỷ đồng, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) chỉ đạt 132.500 tỷ đồng, giảm gần 17% và chỉ chiếm 37% trong tổng huy động vốn. Con số này giảm mạnh so với tỷ trọng CASA trên 50% trong năm 2021.
Theo Techcombank, bối cảnh môi trường lãi suất cao trên toàn cầu, thanh khoản hệ thống bớt dồi dào và tâm lý tiêu cực về thị trường bất động sản và trái phiếu đã góp phần khiến số dư CASA sụt giảm, do khách hàng có xu hướng giảm nắm giữ tiền mặt.
Mức sụt giảm về CASA của Techcombank là con số "đáng báo động" trong nhóm những ngân hàng tư nhân top đầu thị trường. Đồng thời, đà giảm mạnh cũng khiến Techcombank không còn là nhà băng giữ ngôi số 1 về tỷ trọng CASA.
Ảnh hưởng rõ rệt nhất có thể thấy từ sự chênh lệch giữa thu nhập từ lãi và chi phí lãi trong năm 2022, đã kéo lùi tốc độ tăng trưởng thu nhập lãi thuần. Dư nợ cho vay của Techcombank tăng hơn 40% cùng kỳ, với thu nhập từ lãi của nhà băng này tăng 26%. Tuy nhiên, huy động chỉ tăng 14% nhưng chi phí lãi tăng tới 64%. Kết quả là thu nhập lãi thuần của Techcombank năm trước chỉ tăng vỏn vẹn 13%.
Trong cơ cấu tín dụng của Techcombank cũng có sự thay đổi. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng hơn 40% so với năm 2021 và chiếm 49,1% danh mục; dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 7,3% so với cùng kỳ. Ngược lại, tổng dư nợ tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp lớn (bao gồm cho vay và trái phiếu) giảm gần 10%, đạt 165.600 tỷ đồng, chiếm 35,9% dư nợ tín dụng toàn ngân hàng, giảm mạnh so với mức 44,8% của cuối năm 2021.
Kết quả kinh doanh của Techcombank cũng ghi nhận mức tăng trưởng thấp hơn hẳn so với mặt bằng chung. Cụ thể, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Techcombank chỉ tăng khoảng 10% so với năm trước lên 25.600 tỷ đồng, con số này có thể xem là khiêm tốn so với mức tăng trưởng gấp nhiều lần của thị trường.
Xét về chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu và nợ cần chú ý của Techcombank đều tăng. Đáng kể nhất là nợ cần chú ý của nhà băng này tăng từ 2.100 tỷ lên hơn 8.700 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng tài sản của nhà băng này cũng tăng từ 0,66% lên 0,9%. Trong đó, quy mô nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) gấp gần 3 lần, lên gần 1.700 tỷ đồng, với tỷ trọng trên tổng dư nợ tăng từ 0,19% lên 0,4%. Nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn tăng thêm vài trăm tỷ đồng mỗi khoản mục.